Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn lãnh đạo Đức và Mỹ vì quyết định gửi xe tăng, nhưng nhanh chóng chuyển sang kêu gọi bổ sung vũ khí cho Ukraine.
Mỹ nói sẽ gửi 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, Đức cũng đã thông báo cung cấp xe tăng Leopard 2 từ kho vũ khí hoặc cho phép các nước đối tác tái xuất khẩu khí tài này sang Kiev.
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Tổng thống Zelensky nói Ukraine cần tên lửa tầm xa và điều quan trọng là phải mở rộng hợp tác pháo binh. Ông cũng cho biết Ukraine cần máy bay chiến đấu, được chuyển giao với tốc độ nhanh và số lượng lớn.
Liệu lời kêu gọi của Ukraine có tạo ra một dòng chảy máy bay chiến đấu đổ về Kiev hay sự thay đổi nào trong cuộc xung đột hay không?
Mong muốn của Ukraine
Sau khi nhiều nước phương Tây quyết định gửi xe tăng cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bày tỏ sự lạc quan rằng tiếp theo các đồng minh có thể cung cấp máy bay chiến đấu. “Đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc xung đột”, ông Reznikov nói, đồng thời hy vọng những cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ diễn ra trong tuần tới.
Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev nói rằng, nước này chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào với Berlin về việc cung cấp máy bay chiến đấu, mặc dù có một số lời kêu gọi từ Kiev.
Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác về việc Ukraine cần những loại máy bay chiến đấu nào và số lượng bao nhiêu.
Gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk đã kêu gọi thành lập “một liên minh máy bay chiến đấu hùng mạnh cho Ukraine”, bao gồm các tiêm kích F-16 và F-35 do Mỹ sản xuất, các máy bay chiến đấu Eurofighter, Tornado, Rafale và Gripen.
Bruno Lete, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall của Đức, cho rằng máy bay chiến đấu F-16 được đặc biệt quan tâm bởi nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách thay thế chúng bằng những chiếc F-35 mới hơn.
“Thật không may cho Ukraine, nhiều máy bay chiến đấu mà họ sở hữu đã bị phá hủy từ đầu cuộc xung đột”, ông Lete nói, cho biết thêm rằng những chiếc tiêm kích còn lại đã cũ, có từ thời Liên Xô.
Ông Lete cho hay, theo quan điểm của Ukraine, máy bay chiến đấu là thành phần còn thiếu của một kho vũ khí đầy đủ.
Phương Tây chia rẽ về cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
Tuy nhiên, phương Tây cũng đang bất đồng quan điểm về việc hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Mỹ, nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, trước đây đã từng phản đối việc gửi máy bay chiến đấu cho Kiev. Hôm 30/1, Tổng thống Biden đã khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự tương lai.
Tháng 3/2022, Nhà Trắng cho rằng, các đồng minh cung cấp cho Ukraine máy bay MiG-29 từ thời Liên Xô, theo yêu cầu của Kiev, sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường.
Bên cạnh đó, một động thái như vậy “có thể dẫn đến phản ứng đáng kể của Nga, gia tăng leo thang quân sự với NATO”, John Kirby, khi đó là người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, trích dẫn các nguồn giấu tên, hãng tin Politico gần đây đưa tin rằng một số quan chức quân đội Mỹ ủng hộ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine và đang cố gắng thuyết phục các quan chức Bộ Quốc phòng.
Trước đây, Mỹ cũng nói rằng sẽ không gửi xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, nhưng sau đó đã thay đổi quyết định.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kiên quyết bác bỏ một lần nữa đề nghị của Ukraine về việc cung cấp máy bay chiến đấu, sau khi Berlin đồng ý gửi xe tăng. “Vấn đề máy bay chiến đấu hoàn toàn không được đặt ra.
Tôi chỉ có thể khuyên không nên bước vào một cuộc cạnh tranh liên tục để cố gắng vượt trội hơn người khác trong vấn đề vũ khí”, ông Scholz nói.
Trong khi đó, Pháp và Ba Lan dường như sẵn sàng cân nhắc yêu cầu của Ukraine. Trả lời về việc liệu Pháp có viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine hay không, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết:
“Về nguyên tắc, không có gì bị loại trừ”, nhưng ông cũng nhấn mạnh, nếu kịch bản này xảy ra, Ukraine phải đảm bảo không sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố Ba Lan sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ khi đó là hành động phối hợp giữa các thành viên NATO.
Lý do một số nước phương Tây phản đối việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine là do nó làm tăng khả năng Ukraine xâm phạm lãnh thổ Nga. “Đây là một vấn đề rất nhạy cảm bởi máy bay chiến đấu sẽ giúp Ukraine dễ dàng tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga hơn rất nhiều”, ông Lete giải thích.
Liệu phương Tây có tiếp tục vượt “lằn ranh đỏ”?
Nếu máy bay chiến đấu của phương Tây được chuyển đến Ukraine, Nga có thể sẽ đưa ra phản ứng rất gay gắt.
Giới chức Nga cho rằng quyết định cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine khiến xung đột leo thang và đi ngược các tuyên bố trước đây của Đức.
“Quyết định cực kỳ nguy hiểm này sẽ khiến xung đột leo thang lên mức đối đầu mới, đồng thời trái ngược với những tuyên bố của chính trị gia Đức rằng nước này không muốn liên quan đến chiến sự”, Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev cho biết.
Theo ông Lete, có khả năng cao các nước phương Tây sẽ gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, thậm chí trong đó có cả Đức.
Chuyên gia này cho rằng đây không phải là lần đầu tiên phương Tây vượt “lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời đề cập đến việc gửi xe tăng Leopard 2 và trước đó các bệ phóng tên lửa HIMARS.
Ông Lete cho rằng, Đức cũng đã nhìn sang Mỹ để đưa ra quyết định về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. “Nếu Mỹ đồng ý gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, tôi nghĩ Đức cũng sẽ tham gia”.