Đến Vạn Phúc mua lụa… Trung Quốc
Những ngày này, làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) bỗng dưng được chú ý, đông người lui tới hơn khi “phát lộ” câu chuyện lụa Khaisilk lừa dối khách hàng.
Qua cổng làng Vạn Phúc, hai bên đường là hàng chục cửa hàng lụa tơ tằm với đủ mặt hàng như khăn, áo, váy, thậm chí là những cuộn vải lụa lớn hay một số đồ thủ công nhỏ khác.
Những ngày này, khách tới để mua hàng thì ít, nhưng tò mò tìm hiểu cách có thể phân biệt được đâu là lụa Vạn Phúc đâu là hàng xuất xứ từ Trung Quốc thì nhiều. Thật sự để phân biệt điều đó không hề dễ một chút nào.
Khi đặt vấn đề muốn mua khăn lụa để tặng khách nhưng chỉ lấy hàng Trung Quốc cho rẻ, thì chị N.T.H. – chủ cửa hàng cho biết: “Trong khu vực trung tâm này, chị không bán hàng Trung Quốc mà bắt buộc phải bán hàng lụa Vạn Phúc.
Nhưng nếu có nhu cầu thì chị có một cửa hàng khác gần đây có bán tổng hợp các loại.”
Tại cửa hàng được giới thiệu, khách thích loại hàng nào chủ cửa hàng đều có thể cung cấp. Thường thì hàng Trung Quốc nhiều hoa văn, chất liệu khó phân biệt và giá rẻ hơn hàng truyền thống.
Khách cầm vào không thể phân biệt được đâu là hàng lụa Trung Quốc, đâu là hàng lụa Vạn Phúc.
Nói về chất lượng giữa lụa Vạn Phúc và lụa xuất xứ từ Trung Quốc, chị H. cho biết: “Cái nào tốt hơn thì không biết được, chị không dám khẳng định vì hàng Trung Quốc cũng khá bền.
Thậm chí, hàng Trung Quốc mẫu mã còn đa dạng hơn, mỗi mẫu mã lại có gần 20 màu để lựa chọn. Chưa kể tới việc nó có rất nhiều loại hàng chất lượng khác nhau ở khung giá khác nhau để khách lựa chọn”.
Tại một cửa hàng đầu cổng làng, hàng Trung Quốc cũng được bán rất nhiều. Chủ cửa hàng cho biết: “Hàng Trung Quốc là hàng Trung Quốc, hàng truyền thống là hàng truyền thống. Chúng tôi không đánh tráo nhãn mác”.
Chị chủ này lý giải nguyên nhân nhập các mặt hàng lụa Trung Quốc về bán là bởi “chúng cũng đẹp, bền mà giá rẻ, được khách mua nhiều hơn”.
Chị cũng cho biết thêm từ hôm Khaisilk “lộ” chuyện “treo lụa ta, bán lụa Tàu”, khách tìm đến cửa hàng chị mua thì ít, xem rồi xét hỏi vặn vẹo, nghi ngờ thì nhiều.
“Sự việc đáng xấu hổ của một thương hiệu mà làm làng lụa lao đao”, chị này nói.
Tại làng lụa Vạn Phúc, giá những chiếc khăn lụa xuất xứ từ Trung Quốc rất phong phú, thấp nhất là 40.000 đồng/chiếc bán buôn, cao thì 100.000 – 125.000 đồng/chiếc, còn đóng hộp và thay mác thì hơn 1 triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng/chiếc.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tố Nga (61 tuổi, ở huyện Thanh Trì) cho biết, bà rất hay mua lụa để dùng hoặc mua biếu người thân trong gia đình và mỗi lần như thế đều tìm đến Vạn Phúc để chọn lựa.
“Tôi rất thích lụa bởi mềm mại và sờ rất thích, không những thế những đường nét hoa văn được in trên những tấm lụa rất tinh xảo, đẹp mắt. Mua dùng và tặng người thân yêu của mình thì không gì quý bằng, mẹ tôi cũng rất thích.
Nhưng từ hôm nghe nói thương hiệu lụa Khaisilk lừa dối khách hàng, tôi khá hoang mang, không biết trước tới nay mua ở Vạn Phúc có bị lừa hay không.
Thực sự thì lụa Việt Nam và lụa Trung Quốc, nếu ai không ở trong nghề thì rất khó phân biệt”, bà Nga chia sẻ.
Làng lụa nghìn năm tuổi lao đao
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, Phạm Khắc Hà.
Bà Nguyễn Thị Thoa (56 tuổi), người có thâm niên kinh doanh các mặt hàng lụa lâu năm ở làng Vạn Phúc) cho rằng, những mặt hàng bà bán tại cửa hàng đều được lấy từ các xưởng sản xuất thủ công trong làng.
“Nếu ai nói chúng tôi lập lờ bán hàng Trung Quốc là hoàn toàn sai. Hành vi cắt nhãn mác của Trung Quốc, dán nhãn mác của Việt Nam vào bán là việc làm không thể chấp nhận được”, bà Thoa nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết: "Những ngày này, làng lụa Vạn Phúc bỗng dưng được quan tâm chú ý, nhưng nó làm tổn hại đến danh tiếng làng lụa đã tồn tại hơn 1000 năm lịch sử.
Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo tôi có khoảng 70% cửa hàng bán lụa Vạn Phúc làm ra, còn lại là những sản phẩm từ những nơi khác nhập về. Trong số nhập về đó có lụa xuất xứ từ Trung Quốc.
Từ trước tới nay, Hiệp hội Làng nghề chưa phát hiện trường hợp nào cắt mác Trung Quốc để dán mác lụa Hà Đông".
Ông Phạm Khắc Hà cho biết về chức trách nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề lụa mà ông là Chủ tịch hội thì việc "treo đầu dê, bán thịt chó" là không thể chấp nhận được và "trái đạo đức, lương tâm người làm nghề": "Hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm.
Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng.
Chúng tôi chưa nói lụa nào tốt hơn lụa nào, nhưng việc đánh tráo nhãn mác xuất xứ là lừa dối người tiêu dùng".
Ông Hà khẳng định tuy không liên quan, nhưng việc thương hiệu Khaisilk bị tố lừa dối khách hàng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nghề lụa Vạn Phúc.
"Người ta lên án Khaisilk, đồng thời gần đây, những thông tin không tốt nhằm vào chúng tôi đã gây ảnh hưởng xấu đến làng nghề. Tôi khẳng định đó là những thông tin thiếu cơ sở, thiếu đạo đức", ông Hà nói.
Ngoài việc bị liên lụy về việc mập mờ trong gắn mác thương hiệu lừa dối khách hàng, thì lụa Vạn Phúc cũng đứng trước rất nhiều khó khăn.
"Giá thành mua tơ ngày một đắt, lụa công nghiệp từ khắp nơi, đặc biệt từ Trung Quốc ngày một nhiều đẩy nghề lụa thủ công luôn gặp khó ở khâu đầu ra", ông Phạm Khắc Hà cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc tâm tư để thành công được với những mặt hàng truyền thống như lụa thì trước hết phải tâm huyết với nghề, phải trung thực với sản phẩm mà mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, cũng như lắng nghe ý kiến của khách hàng để làm sao có sản phẩm thủ công tốt nhất.
Nói về thương hiệu Khaisilk, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết: "Tôi cũng đã từng rất nhiều năm đưa lụa Vạn Phúc vào phố bán buôn, đến năm 2004 mới không hoạt động theo hình thức đó nữa.
Trước đây, người làng chúng tôi có nhập lụa cho Khaisilk, nhưng hàng chục năm không thấy anh Khải lấy lụa Vạn Phúc nữa".