Túi trà có chứa xyanua được thu thập từ hiện trường vụ án nhóm người Việt tử vong ở Grand Hyatt Erawan. Ảnh: Khaosod
Theo Thai PBS, ngày 18/7, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan đã phát cảnh báo người dân nước này rằng, xyanua nằm trong nhóm "hóa chất độc hại cấp độc ba", theo đạo luật được ban hành từ năm 1995.
Khi đề cập đến vụ 6 người thiệt mạng ở khách sạn Grand Hyatt Erawan tại Bangkok, theo bà Kenika Ounjit, phó phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan: "Theo điều 23 và 73 của đạo luật, bất kỳ cá nhân nào sản xuất, xuất nhập khẩu và sở hữu hóa chất độc hại loại ba mà không có giấy phép thì sẽ chịu án tù tối đa là 2 năm hoặc mức phạt 200.000 bath (tương đương với khoảng 140 triệu đồng), hoặc cả hai".
Cảnh báo này được đưa ra sau khi cơ quan pháp y của Thái Lan đưa ra kết luận rằng 6 người, trong đó có 4 người Việt Nam và 2 người Mỹ gốc Việt, đã bị đầu độc bằng xyanua. Chất độc này được cho là do nghi phạm người Mỹ gốc Việt Sherine Chong tẩm ở trong lá trà để hạ độc 5 người. Sau đó người này tự sát. Nguyên nhân được cho là do những tranh chấp về tiền bạc trong kinh doanh.
Đại diện lực lượng cảnh sát ở Bangkok cho biết, xyanua có thể được mang vào khi nghi phạm nhập cảnh hoặc tìm mua tại Thái Lan qua nhiều canh. Dù đã mở cuộc điều tra về các giáo dịch liên quan tới chất độc xyanua gần đây nhưng cảnh sát thừa nhận rằng điều này rất khó khăn.
Đây không phải lần đầu tiên xyanua gây rúng động ở Thái Lan. Trước đó, hóa chất độc hại này từng khiến dư luận Thái Lan chú ý sau khi cảnh sát bắt được Sararat "Am" Rangsiwuthaporn (36 tuổi) vào năm 2023. Đây được coi là sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất trong lịch sử quốc gia này.
Theo đó, nữ sát thủ này bị buộc tội đã dùng xyanua trong 15 vụ án giết người nhằm cướp tài sản và trốn nợ trong giai đoạn từ 2015 – 2023, khiến cho 14 người thiệt mạng và chỉ một người sống sót. Cơ quan công tố của Thái Lan đã đề nghị mức án tử hình đối với Sararat.
Sở dĩ vụ án của nữ sát thủ Sararat khiến dư luận Thái Lan lo ngại về những quy định quản lý xyanua ở quốc gia này, bởi nghi phạm đã tìm mua và dùng chất độc để gây án trong suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát Thái Lan phát hiện ra Sararat đã mua xyanua trái phép trên mạng. Đó là từ một công ty có nhà xưởng tại quận Lat Krabang ở Bangkok, nhưng không đăng ký kinh doanh. Xyanua mà nữ sát thủ này mua chủ yếu là được nhập khẩu từ Tây Ban Nha vào Thái Lan.
Không chỉ có Sararat, cảnh sát phát hiện có khoảng 100 người đã xyanua từ cơ sở này. Trong số đó có một số cá nhân làm việc trong lĩnh vực giải trí và y tế.
Xyanua nguy hiểm thế nào?
Xyanua là một hóa chất cực độc và thậm chí còn được cho vào danh sách những chất độc nhất. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), xyanua có thể tồn tại ở dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm khí không màu như hydro xyanua (HCN), xyanua clorua (CNCl) hoặc natri xyanua (NaCN), kali xyanua (KCN).
Theo các chuyên gia, xyanua rất nguy hiểm bởi nó được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh và mạnh với hô hấp tế bào. Chỉ một liều rất nhỏ xyanua cũng có thể gây tử vong. Thông thường, bệnh nhân tử vong nhanh do suy hô hấp và co giật. Ngoài ra, liều gây ngộ độc của xyanua thường phụ thuộc vào dạng (chẳng hạn như muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.
Khi trúng độc xyanua, nạn nhân sẽ cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn, kiệt sức. Khi phát hiện ra người có dấu hiệu trên, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Bởi người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ gây nguy cơ tử vong rất cao.
Theo ghi nhận của PV, tuy là hóa chất cực độc nhưng xyanua hiện nay được rao bán một cách công khai trên các nền tảng mạng xã hội, website và các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, khách hàng chỉ cần gõ từ khóa "mua xyanua giá rẻ" thì có tới hang chục trang rao bán chào mời. Những vụ án giết người bằng xyanua trong thời gian gần đây cho thấy "lỗ hổng" trong việc mua bán chất độc này.
Bài tham khảo nguồn: Nation, Thai PBS, CDC