Việc Viettel Post đặt chân vào thương mại điện tử ngoài sức hấp dẫn của thị trường này thì nguyên nhân khác có thể lý giải là ngành kinh doanh giao nhận hiện đem về biên lợi nhuận không được cao trong khi tốn kém khá nhiều chi phí về nhân lực.
Theo báo cáo tài chính của công ty này, 6 tháng đầu năm nay mặc dù tạo ra hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 tuy nhiên lợi nhuận thu về chỉ gần 60 tỷ đồng, so với con số 30 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2015.
Với lợi thế về mạng lưới logistics thì việc đặt chân vào thương mại điện tử của Viettel Post là khá dễ hiểu nhằm gia tăng doanh thu, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính là giao nhận trong cuộc chơi khốc liệt của ngành này.
Trong vài năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam nở rộ với những tên tuổi lớn góp mặt như Vingroup, FPT, Lazada, Tiki. CEO Lương Duy Hoài của công ty cung cấp dịch vụ giao nhận Giao hàng nhanh, từng đánh giá năm 2016 ngành này sẽ bùng nổ.
Theo CEO này có hai yếu tố hỗ trợ cho điều này là có nhiều nhà bán lẻ lớn trong lẫn ngoài nước đang đổ tiền vào lĩnh vực này và sự xuất hiện của các mô hình giúp người bán hàng nhỏ lẻ tạo web, bán hàng chuyên nghiệp hơn, lượng người tham gia bán online cũng đông hơn.
Sức hấp dẫn của thị trường này cũng kéo theo một loạt tên tuổi lớn, thậm chí không liên quan đến ngành cũng lăm le đặt chân vào thị trường.
Có thể kể đến như hồi tháng 6 trong một cuộc hội thảo với nhà đầu tư, CEO Thế giới di động Nguyễn Đức Tài cho biết tháng 12 tới công ty này sẽ cho ra mắt sàn thương mại điện tử. Sàn thương mai này hoàn toàn không dính dáng gì tới 2 chuỗi thegioididong.com và dienmayxanh.com.
Tiếp đến hồi đầu tháng 7, tờ báo điện tử VnExpress bất ngờ mở cửa hàng trực tuyến VnExpress Shop chuyên bán các mặt hàng công nghệ phần lớn do FPT Trading phân phối.
Tiếp bước VnExpress, công ty cổ phần Báo Thanh Niên, trực thuộc báo Thanh niên cũng giới thiệu trang thương mại điện tử muahangviet.com.vn chuyên bán hàng nông sản sạch và an toàn phục vụ tiêu dùng khu vực Tp.Hồ Chí Minh.