Mang sang Thái Lan 23 cầu thủ nhưng cuối cùng HLV Park Hang-seo chỉ sử dụng 17 cầu thủ ở VCK U23 châu Á 2020 (6 cầu thủ không được ra sân một phút nào là: Văn Toản, Y Êli Niê, Việt Hưng, Mạnh Dũng, Hữu Thắng, Tiến Dụng). Hãy cùng nhìn lại màn trình diễn của 17 cầu thủ ở giải đấu châu lục vừa qua, để xem ai xứng đáng lên ĐTQG thời gian tới.
1.Bùi Tiến Dũng (270 phút)
Bỏ lại đằng sau một kỳ SEA Games 30 đáng quên, Tiến Dũng đã đền đáp sự tin tưởng của HLV Park Hang-seo bằng một phong độ chói sáng trong 2 trận đấu đầu tiên tại VCK U23 châu Á 2020. Với những pha cứu thua xuất thần, Tiến Dũng đã làm nản lòng các chân sút đối phương. Tuy nhiên trong trận đấu quyết định với U23 Triều Tiên, thủ thành quê Thanh Hóa lại mắc sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bàn gỡ hòa của đối thủ.
2.Tấn Sinh (54 phút)
Được kỳ vọng sẽ là trụ cột của hàng phòng ngự nhưng rốt cuộc Tấn Sinh lại trở thành nỗi thất vọng lớn nhất khi nhiều lần để đối phương vượt qua trong hiệp 1 trận ra quân và may mắn không phải nhận thẻ đỏ sau tình huống chơi cùi trỏ với cầu thủ đối phương. Màn trình diễn tệ hại của Tấn Sinh buộc HLV Park Hang-seo phải rút anh ra ở đầu hiệp 2 và kể từ đó anh không còn được vào sân một phút nào nữa.
3.Đình Trọng (180 phút)
Dù mới bình phục chấn thương nhưng Đình Trọng vẫn chứng tỏ vai trò và tầm quan trọng của mình. Trong 2 trận đầu tiên, mỗi khi anh vào sân, hàng phòng ngự U23 Việt Nam đã chơi chắc chắn hơn hẳn. Ở trận gặp U23 Triều Tiên, Đình Trọng tiếp tục thể hiện được vai trò thủ lĩnh hàng phòng ngự khi nhiều lần bọc lót kịp thời cho các đồng đội. Đáng tiếc là trung vệ của Hà Nội phải nhận thẻ đỏ ở những phút bù giờ.
4.Thành Chung (270 phút)
Là 1 trong 5 cầu thủ đá trọn vẹn 270 phút ở giải năm nay, Thành Chung đã thể hiện một phong độ khá tốt. Không chỉ hoàn thành tốt vai trò phòng ngự, Thành Chung còn có những pha phát động tấn công khá nguy hiểm. Chính bàn thắng của Tiến Linh vào lưới U23 Triều Tiên được khởi đầu từ một đường chuyền dài của anh
5.Việt Anh (213 phút)
Việt Anh đã chơi đầy nỗ lực trong lần đầu tiên được khoác áo U23 Việt Nam ở một giải đấu lớn. Sau khi có phần "khớp" ở trận đấu với U23 UAE khi được đẩy sang cánh trái, Việt Anh đã chơi tròn vai khi được trở về vị trí sở trường trung vệ ở các trận tiếp theo. Tuy nhiên kinh nghiệm là điều mà cầu thủ này cần phải tích lũy thêm.
6.Ngọc Bảo (250 phút)
Được HLV Park Hang-seo giao cho đảm nhiệm tới 3 vị trí ở vòng bảng: hậu vệ phải trong trận đầu tiên, trung vệ ở trận thứ hai, hậu vệ trái ở trận thứ ba, Ngọc Bảo đã không làm chiến lược gia người Hàn Quốc thất vọng khi chơi khá tròn vai ở hàng phòng ngự của U23 Việt Nam.
7.Thanh Thịnh (126 phút)
Chơi khá tốt trong trận ra quân gặp U23 UAE ở hành lang cánh trái nhưng trong trận thứ hai gặp U23 Jordan, vị trí của Thanh Thịnh liên tục bị đối thủ khai thác. Và điều đó buộc HLV Park Hang-seo phải rút anh ra ở đầu hiệp 2. Tiếc là ở trận cuối, Thanh Thịnh bị chấn thương nên không thể góp mặt cùng các đồng đội
8.Tấn Tài (180 phút)
Vắng mặt ở trận đầu do bị treo giò nhưng Tấn Tài đã chơi đầy cố gắng ở 2 trận tiếp theo. Dấu ấn lớn nhất của Tấn Tài là pha thoát xuống cùng đường căng ngang dọn cỗ để Tiến Linh ghi bàn duy nhất cho U23 Việt Nam ở giải đấu năm nay.
9.Hoàng Đức (270 phút)
Được "điều về" vị trí tiền vệ trung tâm, Hoàng Đức đã chơi đầy cố gắng để khỏa lấp sự thiếu vắng của Hùng Dũng. Những pha xử lý mềm mại nhưng đầy hiệu quả của Hoàng Đức là một trong những điểm sáng của U23 Việt Nam ở giải đấu năm nay. Điều mà cầu thủ của Viettel cần cải thiện là khả năng tranh chấp và hỗ trợ phòng ngự.
10.Đức Chiến (223 phút)
Được phát hiện trong vai trò tiền vệ trung tâm ở giai đoạn cuối của SEA Games 30 nhưng Đức Chiến có vẻ như không giữ được điều đó khi ra sân chơi châu lục. Nhiệm vụ càn quét tuyến giữa không được anh thực hiện tròn trịa ở VCK U23 châu Á năm nay. Khả năng phát động tấn công của Đức Chiến cũng còn khá hạn chế.
11.Trọng Hùng (68 phút)
Mới trở lại sau chấn thương, Trọng Hùng đã không thể hiện được nhiều ở VCK U23 châu Á 2020. Trước các cầu thủ to cao, đầy sức mạnh và tốc độ của Tây Á cũng như Triều Tiên, Trọng Hùng thường dễ dàng để mất bóng và chuyền hỏng khá nhiều.
12.Quang Hải (270 phút)
Việc bị đẩy xuống quá thấp để làm nhiệm vụ kiến thiết cùng việc mới trở lại sau chấn thương đã khiến Quang Hải không thể hiện được nhiều ở giải đấu năm nay. Thi thoảng người ta mới thấy Quả bóng Vàng 2018 có những tình huống đi bóng lắt léo và đường chuyền chính xác. Nhưng như thế là quá ít với 1 cầu thủ từng được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở VCK U23 châu Á năm nay.
13.Đức Chinh (224 phút)
Chạy liên tục, xông xáo nhưng không hiệu quả. Đó là tất cả những gì có thể nói về Đức Chinh ở VCK U23 châu Á năm nay. Có vẻ như cái duyên ghi bàn Chinh "đen" đã dồn hết vào SEA Games 30 nên khi đến với giải đấu châu lục tiền đạo này đã hoàn toàn "im hơi lặng tiếng".
14.Tiến Linh (270 phút)
Trong vai trò người đá cao nhất trên hàng công của U23 Việt Nam, Tiến Linh đã cố gắng hết sức mình để tìm kiếm bàn thắng cho đội. Tuy nhiên trước các hậu vệ to cao của đối phương, Tiến Linh đã gặp rất nhiều khó khăn. Dấu ấn lớn nhất mà anh để lại ở VCK U23 châu Á năm nay là bàn thắng vào lưới U23 Triều Tiên.
15.Thanh Sơn (71 phút)
Bất ngờ được đá chính ở trận gặp U23 Jordan nhưng màn trình diễn của Thanh Sơn là không đạt yêu cầu. Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi đầu hiệp 2 HLV Park Hang-seo phải rút anh ra và tung tiền đạo Đức Chinh vào sân.
16.Thái Quý (11 phút)
Tiền vệ của Hà Nội chỉ được vào sân thay người trong 11 phút cuối trận đấu với U23 Jordan và gần như không thể hiện được gì.
17 Bảo Toàn (20 phút)
Được vào sân 20 phút cuối trận gặp U23 Triều Tiên, Bảo Toàn cho thấy anh còn quá non kinh nghiệm khi phạm lỗi với cầu thủ Triều Tiên trong vòng cấm dẫn đến việc đội nhà phải nhận 1 quả penalty ở những phút cuối trận.