Sau văn bản và video, chính quyền Trung Quốc giờ cấm cả ứng dụng âm thanh

Bảo Nam |

Chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ loại bỏ 26 ứng dụng âm thanh phổ biến trong nước vì cho rằng chúng phát tán nội dung khiêu dâm và "chủ nghĩa hư vô lịch sử".

Người dùng Internet ở Trung Quốc đã quen với các chiến dịch đàn áp mang tính định kỳ của chính quyền nhằm vào các ứng dụng phổ biến nhiều năm qua. Phần lớn trong số chúng nhằm vào các ứng dụng phục vụ nội dung văn bản hoặc video. Còn bây giờ, các nhà chức trách đang chuyển sang lĩnh vực âm thanh.

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết họ đã trừng phạt 26 ứng dụng âm thanh trong một chiến dịch làm sạch, bao gồm một loạt các ứng dụng xã hội dựa trên giọng nói. Một số ứng dụng âm thanh không được liệt kê trong thông báo của CAC cũng đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng Android, bao gồm các các ứng dụng podcast phổ biến như Ximalaya FM, Lizhi FM và NetEase Cloud Music. Podcast là một chương trình âm thanh, như một chương trình radio, do ai đó tạo ra và sau đó được đăng lên Internet để người khác tải xuống và nghe qua iTunes hoặc iPhone, iPod.

Một số lý do được trích dẫn bởi CAC nghe khá quen thuộc, đó là việc một số nền tảng âm thanh trực tuyến đã thu hút sự chú ý bằng cách "lưu trữ nội dung khiêu dâm, đi ngược lại trật tự công cộng và phong tục văn hóa".

Tuy nhiên, một số lý do viện dẫn mới cũng được đưa ra khiến nhiều cư dân mạng cảm thấy khó hiểu. Ví dụ như CAC cáo buộc một số nền tảng âm nhạc trực tuyến đã quảng bá văn hóa anime và các nền văn hóa khác. Một số nền tảng audiobook được cho là đang quảng bá cho "chủ nghĩa hư vô lịch sử" bằng cách giúp truyền bá các tiểu thuyết kinh dị có xác sống (zombie) và hôn nhân sau khi chết. Theo CAC, các nội dung như vậy làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường Internet và có ảnh hưởng xấu đến trẻ vị thành niên.

Sau văn bản và video, chính quyền Trung Quốc giờ cấm cả ứng dụng âm thanh - Ảnh 1.

NetEase Cloud Music, một trong những ứng dụng âm thanh phổ biến ở Trung Quốc.

Số người dùng Trung Quốc sử dụng dịch vụ âm thanh trực tuyến, thương là sự kết hợp giữa podcast và audiobook, đạt khoảng 260 triệu trong năm 2017, theo báo cáo của iReseach. Một báo cáo khác từ iiMedia cho thấy số lượng người nghe trực tuyến đã tăng lên hơn 400 triệu vào năm 2018. Nhưng các nhà chức trách chỉ bắt đầu thắt chặt kiểm duyệt đối với lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này gần đây.

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người tỏ ra bối rối về các thuật ngữ được sử dụng trong thông báo của CAC.

"Hóa ra nghe tiểu thuyết kinh dị cũng là bất hợp pháp?", một thành viên trên Weibo hỏi.

"Chủ nghĩa hư vô lịch sử là gì?", không ít người khác cũng thắc mắc. "Đây là lần đầu tiên tôi nghe về điều này".

Sau văn bản và video, chính quyền Trung Quốc giờ cấm cả ứng dụng âm thanh - Ảnh 2.

Giải thích trong một bài viết trên China Daily năm 2017, "chủ nghĩa hư vô lịch sử" là các suy nghĩ hay tư tưởng "tìm cách bóp méo lịch sử của cuộc cách mạng hiện đại của Trung Quốc". Vì vậy, về cơ bản nó là bất cứ điều gì gây nghi ngờ về sự hình thành chính thức cũng như các sự kiện trong quá khứ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và rõ ràng lịch sử dường như không bao gồm sự tồn tại của xác sống.

Trên thực tế nhiều người đã nghi ngờ từ tháng trước, khi một báo cáo của TechCrunch cho thấy Apple bắt đầu hạn chế podcast trên cửa hàng trực tuyến Trung Quốc. Nhiều người dùng cũng thắc mắc khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nội dung anime, truyện tranh và game.

"Mỗi khi họ muốn loại bỏ thứ gì đều bằng cách lấy cớ xử lý nội dung khiêu dâm", một người dùng trên Weibo cho biết. "Tôi đã nghe podcast rất nhiều năm và tôi chưa bao giờ bắt gặp một chương trình có nội dung bẩn nào".

Một người khác nói đùa rằng: "Tại sao lần nào tôi cũng là người cuối cùng biết có nội dung khiêu dâm trên các ứng dụng này? Tại sao lại thế?".

Tham khảo Abacus News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại