Xu hướng hướng giảm nhập khẩu
Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) xác nhận với Tiền Phong chiều nay (17/1). Theo ông Tuấn, không phải đến bây giờ các hãng mới tạm dừng nhập khẩu xe về Việt Nam, việc này đã được thực hiện ngay sau khi Nghị định 116 của Chính phủ được ban hành.
Đáng chú ý, VAMA đã có đơn kiến nghị lần 4 vào giữa tháng 12/2017, mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu (NK) xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, đến nay các kiến nghị này vẫn chưa có phản hồi.
Trong khi đó, thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, do ảnh hưởng từ Nghị định 116 nên dù vẫn đứng thứ 2 trong số các thị trường xe xuất khẩu sang Việt Nam nhưng trong tháng 12, Indonesia chỉ xuất sang nước ta 135 chiếc. Riêng trong tháng 12, cả nước nhập khẩu 13.648 chiếc, tổng trị giá 360 triệu USD.
Đáng chú ý, 15 ngày cuối tháng 12, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam lên tới 6.599 xe, trong đó riêng ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 2.866 chiếc. Riêng tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM), trong tháng 12 có tới 1.600 ô tô dưới 9 chỗ ngồi và xe bán tải nhập về.
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, việc lượng xe nhập về tăng đột biến trong tháng 12 chủ yếu nhằm “chạy” Nghị định 116, gom hàng bán Tết và dịp đầu năm 2018. Thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng và TP.HCM cũng cho thấy, hiện chưa có lô ô tô nào nhập về đầu năm để hưởng thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cũng cho hay, hầu hết các xe nhập khẩu của các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang sản xuất ở Thái Lan, Indonesia đáp ứng yêu cầu nội địa hóa 40% để nhập khẩu (NK) về Việt Nam đầu năm 2018, nhằm hưởng thuế NK về 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Chẳng hạn như Ford Ranger, Ford Focus, Toyota Fortuner, Toyota Camry, Corrolla Altis, Toyota Yaris, Honda CR-V, Honda City, Honda Civic, Nissan Sunny, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Mistubishi Pajero,...
Duy chỉ có các dòng xe châu Âu dù có nhà máy ở hai nước này nhưng họ không đầu tư mạnh nên không đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%. Tuy nhiên, với các quy định phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, thử nghiệm đối với từng lô xe NK khiến các xe này chưa đủ điều kiện để nhập về dịp đầu năm 2018.
Trong lúc kiến nghị lần 4 vẫn chưa nhận được phản hồi từ Chính phủ, VAMA cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn thi hành chính thức của Nghị định 116 từ Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm, một số thành viên đã phải quyết định hủy các đơn đặt hàng ô tô NK. Tuy nhiên, một số thành viên khác lại không thể hủy được, do các linh kiện của xe đã được sản xuất.
Do đó, VAMA xin đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định NK và đăng kiểm hiện hành cho xe NK đã được đặt hàng trước ngày ban hành nghị định 116 (ngày 17 tháng 10 năm 2017), cho dù lô hàng này có thể về đến Việt Nam trong năm 2018.
Nhiều hãng tăng giá xe
Đó cũng là điều dễ hiểu khi lô hàng Honda CR-V 2018 NK hồi cuối năm 2017 sẽ không được áp dụng thuế NK 0% và giá bán cho phiên bản cao cấp nhất là 1,256 tỷ đồng, cao hơn dự kiến hơn 150 triệu đồng.
Một đối thủ cạnh tranh mạnh với Honda CR-V trong phân khúc xe thể thao đa dụng trước đây là Mazda CX-5 trong tháng 1 này cũng tăng giá nhẹ so với năm 2017, mức tăng từ 10-30 triệu đồng.
Nhiều mẫu xe ô tô khác tuy không tăng giá bán trực tiếp nhưng lại bị cắt giảm ưu đãi, khiến giá bán thực tế năm 2018 cao hơn năm 2017. Chẳng hạn, mẫu bán tải Ford Ranger hiện không còn được hưởng các ưu đãi, khiến giá xe trở về mức giá cũ từ 660-870 triệu đồng từ tháng 12/2017.
Còn Toyota Fortuner bản thấp nhất vẫn duy trì mức giá niêm yết 1,1 tỷ đồng từ đầu năm 2017 đến nay. Nhưng nếu mua xe vào thời điểm này, khách hàng còn phải chi thêm 100 - 150 triệu đồng cho các đại lý.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017, toàn thị trường ô tô đạt doanh số 278,600 xe (bao gồm các dòng xe du lịch, xe tải, xe khách/bus và một số loại xe khác), giảm khoảng 9.3% so với năm 2016.
Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm tỷ trọng 62% (tương đương với 173,485 xe), giảm 9.9% so với năm 2016; các dòng xe tải, xe khách/bus chiếm gần 35% (khoảng 99,082 xe) trong cơ cấu xe bán ra trong năm 2017.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng, những số liệu trên cho thấy, năm 2017 là một năm nhiều khó khăn đối với các hãng xe khi nhu cầu thị trường có sự biến động so với giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó từ năm 2013 – 2016.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý chờ đợi của khách hàng về viễn cảnh thị trường năm 2018, với giá xe thấp hơn khi Hiệp định thương mại tự do AFTA có hiệu lực tối đa với mức thuế suất 0% cho các sản phẩm nhập khẩu trong nội khối ASEAN.
Ngoài ra, năm 2017 cũng là năm chứng kiến sự ra đời của một số chính sách quan trọng có tính chất bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó phải kể đến Nghị định 116 và Nghị định 125.
Các chính sách trên đều hướng tới mục đích mang lại một môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và khuyến khích việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn đã tác động tới định hướng phát triển của các hãng xe trong ngắn hạn (giai đoạn 2017 – 2020) và dài hạn đến năm 2035.
Trong một diễn biến khác, ngày 15/1, Tập đoàn Mitsubishi Motors Corporation (MMC) cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp - Bộ Công thương Việt Nam cùng nghiên cứu các phương thức tốt nhất để quảng bá việc dùng xe ô tô điện (EVs).
Mitsubishi Motors sẽ phối hợp với Cục Công nghiệp nghiên cứu chung việc sử dụng hiệu quả ô tô điện và các chính sách, các chương trình khuyến khích nhằm hỗ trợ việc áp dụng ngay các công nghệ phát triển ô tô bền vững.
Thông qua thỏa thuận, Mitsubishi Motors đã cung cấp một chiếc xe Outlander PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle), sản phẩm đang dẫn đầu thị trường ô tô điện của Mitsubishi Motors, và một trạm sạc điện cho Cục Công nghiệp - Bộ Công thương Việt Nam