Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều hôm 27/4 vừa qua và những động thái tích cực nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp tới, dư luận khu vực và quốc tế đều đang chờ đợi một cuộc gặp lần đầu tiên giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nếu diễn ra thì đây là một tin vui nữa không chỉ cho bán đảo Triều Tiên, mà còn cho khu vực Đông Bắc Á trong nỗ lực tái lập nền hòa bình bền vững.
Tờ Yomiuri của Nhật Bản hôm nay dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Nhật Bản và Triều Tiên phải nối lại đối thoại và bình thường hóa các mối quan hệ. Nếu làm được, điều này sẽ góp phần lớn cho hòa bình và an ninh tại Đông Bắc Á, chứ không chỉ dừng lại ở Bán đảo Triều Tiên.
Theo kế hoạch, ngày 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tới thủ đô Tokyo, Nhật Bản để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Vấn đề Triều Tiên sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều lần đầu tiên trong hơn 10 năm diễn ra hồi tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, thiết lập một nền hòa bình thường xuyên và bền vững giữa hai nước, vốn về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Sau Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc sắp tới cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không phải chỉ tới thời điểm hiện nay, khi những tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên trở nên rõ ràng hơn, người ta mới nhắc tới khả năng một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Dù vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Triều Tiên, song Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thời gian qua cũng có nhiều phát biểu thể hiện mong muốn này.
Mới đây nhất, hôm 24/4 vừa qua, tức là chỉ 3 ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Hàn- Triều, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố, thành công của các hội nghị Thượng đỉnh Hàn- Triều và Mỹ- Triều cũng đồng nghĩa với việc vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên được giải quyết và cũng đồng nghĩa với việc Triều Tiên và Nhật Bản có thể vượt qua quá khứ để hướng tới bình thường hóa quan hệ.
Hay trước đó hôm 29/03, nhật báo Asahi của Nhật Bản đăng tải thông tin, Chính phủ Nhật Bản đã phát đi tín hiệu về một cuộc gặp cấp cao song phương và phía Triều Tiên đang thảo luận nội bộ về khả năng một cuộc gặp như thế.
Lý do cuộc gặp chắc chắn sẽ không thể bỏ qua vấn đề số phận công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong những năm 70 và 80, vốn là một ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng lo ngại có thể bị “cô lập” sau Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Đô-nan Trăm và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cần phải nhấn mạnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xây dựng hình ảnh chính trị của mình dựa trên cam kết sẽ đưa những công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong những năm 70 và 80 về nước. Năm 2002, ông đã tháp tùng Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Junuichiro Koizumi tới Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il, cha của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện nay đã thừa nhận 13 trường hợp công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Năm trong số này đã trở về nước.
Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của ông Shinzo Abe là một cuộc Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc có phần hài lòng về những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, thì Nhật Bản lại e dè hơn. Không phủ nhận thiện chí của Triều Tiên, nhưng Nhật Bản muốn Triều Tiên phải hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao Hội nghị Thượng đỉnh Hàn- Triều Tiên vừa qua, một bước quan trọng hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này phải đảm bảo dẫn đến hành động cụ thể của Triều Tiên, đó là từ bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như các tên lửa đạn đạo không chỉ có khả năng tấn công nước Mỹ, mà cả Nhật Bản. Triều Tiên phải từ bỏ điều này bằng những biện pháp hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.”
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa Triều Tiên ít nhất là đã hai lần bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản nên nước này không tin tưởng vào quyết tâm của Triều Tiên từ bỏ loại vũ khí này hay từ bỏ bom hạt nhân và trên thực tế, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng không đả động đến việc từ bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Điều này có thể được hiểu là trong trường hợp đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump, Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẵn sàng từ bỏ kế hoạch dùng tên lửa tầm xa để tấn công các thành phố trên lãnh thổ Mỹ, nhưng vẫn giữ quyền uy hiếp các thành phố của Nhật Bản với các loại tên lửa tầm ngắn.
Nhật Bản lo ngại, Tổng thống Donald Trump trước hết tìm cách bảo đảm là Triều Tiên không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, cho dù là để đạt được điều đó, Mỹ có thể hy sinh an ninh của Nhật Bản. Trong khi đó, theo Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật, Mỹ phải cùng lúc bảo đảm được cả hai mục tiêu là an ninh cho Mỹ và Nhật Bản. Các căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ Mỹ lớn nhất được đặt tại Nhật Bản. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, một Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Triều là hoàn toàn có thể, bởi Nhật Bản không thể đứng ngoài những diễn biến hiện nay./.