Âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp
Sau thất bại trong chiến dịch Biên giới, thực dân Pháp thực hiện âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất. Đế quốc Mĩ tăng cường viện để Pháp đẩy mạnh chiến tranh.
"Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương" ngày 23 – 2 – 1950 là hiệp định viện trợ quân sự, kinh tế - tài chính của Mỹ cho Pháp và bù nhìn, qua đó Mỹ buộc Pháp lệ thuộc vào mình, từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.
Dựa vào viện trợ ngày càng tăng của Mỹ, thực dân Pháp đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh xâm lược Đông Dương. Kế hoạch Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi được đề ra tháng 12 – 1950 nhằm thực âm mưu đó. Đây là kế hoạch của địch nhằm gấp rút xây dựng lực lượng, bình đình vùng tam chiếm, kết hợp với phản công và tiến công lực lượng cách mạng.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2 – 1951)
Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, tháng 2 – 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội đại biểu lần thứ II tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần II năm 1951
Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày trước Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm mấy chục năm vận động cách mạng của Đảng, nêu rõ những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, đồng thời vạch rõ tiền đồ của cách mạng Việt Nam.
Báo cáo chính trị nêu nêu nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là: "Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất, độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới".
Bàn về cách mạng Việt Nam nêu nhiệm vụ chống phong kiến phải được thực hiện đồng thời với nhiệm vụ chống đế quốc, nhưng làm từng bước, có kế hoạch để vừa bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, vừa giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến.
Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam – Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đối với Lào và Cam-pu-chia, Đại hội chủ trương xây dựng ở mỗi nước một đảng riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước để lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị của Đảng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ II là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có tác dụng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
Phát triển hậu phương kháng chiến về mọi mặt
Về chính trị, ngày 3 - 3 - 1951, Việt Minh và Hội Liên Việt họp Đại hội đại biếu đã quyết định thống nhất hai tổ chức thành một mặt trận duy nhất là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra mắt trước đại biểu nhân dân tham dự Đại hội.
Đại hội thống nhất Việt Minh và Hội Liên Việt
Ngày 11 – 3 – 1951, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơ-me và Mặt trận Lào đại diện cho nhân dân ba nước họp Hội nghị đại biểu, thành lập "Liên minh nhân dân Việt – Miên – Lào" trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau.
Trên mặt trận kinh tế, năm 1952, Đảng và Chính phủ đề ra cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đã lôi cuốn mọi người, mọi ngành, mọi giới tham gia.
Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, Đảng và Chính phủ để ra nhiều chính sách nhằm chấn chỉnh chế độ thuế khoá, xây dựng nền tài chính, ngân hàng và thương nghiệp.
Để bồi dưỡng sức dân, trước hết là nông dân, đầu năm 1953 Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Tháng 12 - 1953, kì họp thứ ba Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua "Luật cải cách ruộng đất" và quyết định tiến hành cải cách ruộng đất ở vùng tự do.
Từ tháng 4 - 1953 đến tháng 7 - 1954, ta thực hiện tất cả 5 đợt giảm tô và đợt l cải cách ruộng đất ở một số xã thuộc vùng tự do.
Đến cuối năm 1953, tính từ Liên khu IV trở ra, cách mạng đã tạm cấp hơn 18 vạn hécta ruộng đết của thực dân, địa chủ, ruộng đất vắng chủ và ruộng đất bỏ hoang cho nông dân.
Về văn hóa giáo dục, cải cách giáo dục đề ra từ tháng 7 - 1950 được tiếp tục thực hiện theo ba phương châm: phục vụ kháng chiến, phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh.
Số người đi học và học sinh phổ thông năm 1954 đều tăng so với năm 1950: cấp I – tăng 130%, cấp II và III – tăng 300%. Năm 1954, số sinh viên đại học và trung học chuyên nghiệp là 4247 người. Từ năm 1951 đến năm 1953, ta đào tạo được 7000 cán bộ kĩ thuật; đến năm 1954, ta có 3400 học sinh được gửi đi học nước ngoài.
Phong trào thi đua yêu nước ngày càng ăn sâu và lan rộng trong các ngành, các giới, làm nảy nở nhiều đơn vị, cá nhân ưu tú. Ngày 1 - 5 - 1952, Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I với 154 cán bộ và chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành được khai mạc tại Căn cứ địa Việt Bắc. Đại hội tổng kết, biếu dương thành tích của phong trào thi đua yêu nước và chọn được 7 anh hùng.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 9, tr112-115.