Kim Oanh Group là một tập đoàn bất động sản tư nhân ở phía Nam. Công ty có tiền thân là Kim Oanh Real Estate, được thành lập vào năm 2008. Ban đầu, Công ty chỉ chuyên tư vấn, phân phối bất động sản. Đến năm 2014, Công ty chuyển đổi mô hình sang nhà phát triển dự án. Các dự án của doanh nghiệp này có thể kể đến là Richland Residence (15,64ha), dự án Legacy Central (TP Thuận An, 10.098,9m2), Khu đô thị Mega City (50ha), KĐT New Time City (18,5ha)...
Khát vọng "bà trùm" nhà ở xã hội và dự án tỷ USD
Năm 2023 Kim Oanh Group bất ngờ tuyên bố đang lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2023-2028 trên tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Theo đó Công ty sẽ triển khai 26 dự án, trong đó có 23 dự án NOXH và 3 dự án nhà ở thu nhập thấp, với tổng cộng khoảng 40.000 sản phẩm; tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến đến năm 2026, Kim Oanh Group sẽ giới thiệu ra thị trường 14 dự án với 25.000 sản phẩm. Riêng năm 2023 sẽ giới thiệu ra thị trường 4.800 sản phẩm NOXH thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.
Nếu Kim Oanh Group làm đúng kế hoạch này, họ sẽ trở thành "bà trùm" NOXH chỉ đứng sau CTCP Tư Vấn - Thương Mại – Dịch Vụ - Địa ốc Hoàng Quân (HQC).
Trước đó, Kim Oanh Group đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore). Bà Kim Oanh nhấn mạnh các dự án của Công ty đã đủ điều kiện về mặt pháp lý và được hỗ trợ gói vay của quỹ đầu tư cho nhà đầu tư là điều kiện rất thuận tiện.
Vào tháng 4/2024, Kim Oanh Group tổ chức Lễ đón nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư dự án Một Thế Giới – The One World tại Bình Dương. Đồng thời, Tập đoàn cũng tiến hành ký kết hợp tác với 4 đối tác Nhật Bản, bao gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT, AEON Việt Nam.
Thông tin tại buổi lễ này cho biết, Dự án Khu đô thị Một Thế Giới – The One World có quy mô gần 50ha và tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.
"Thà vào chùa quét lá đa"
Bà Kim Oanh từng gây chú ý khi vài năm trước đây, hình ảnh "quỳ gối" trước cựu lãnh đạo nhà Tân Hiệp Phát để "xin chuộc lại dự án" bị phát tán. Gần đây, bà Kim Oanh lại được chú ý với chia sẻ "thà vào chùa quét lá đa chứ không làm doanh nghiệp nữa".
Chia sẻ này xuất hiện tại Toạ đàm, thể hiện những trăn trở của nữ CEO từ những dự án thực tế liên quan đến chính sách định giá đất. Theo bà Oanh, doanh nghiệp có quỹ đất khoảng 27 ha được tách ra từ KCN hơn 130 ha theo quyết định của Thủ tưởng Chính phủ. Để có được khu đất 27 ha này số tiền thực tế mua từ nợ xấu ngân hàng chưa tính lãi vay mà doanh nghiệp đã bỏ ra là hơn 780 tỷ từ năm 2018 đến nay.
Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm nhà ở thương mại, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà địa phương nhưng do vướng mắc liên quan đến luật Đất đai và luật Đầu tư nên chưa thể triển khai được.
"Thay vì chờ đợi chính sách điều chỉnh, chúng tôi đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư toàn bộ NOXH để phục vụ nhu cầu nhà ở cấp thiết của địa phương đồng thời hưởng ứng chương trình phát triển NOXH của Chính phủ" - bà Oanh ho biết.
Tuy nhiên, khi làm NOXH, đại diện Kim Oanh Group cho biết lại tiếp tục gặp bất cập trong việc được ghi nhận chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra để có được quỹ đất phát triển dự án. Vướng mắc lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thay vì ghi nhận đầy đủ chi phí, tối thiểu là những chi phí hợp lý thực tế đã bỏ ra tại thời điểm doanh nghiệp sở hữu quỹ đất, cộng các chi phí lãi vay, trượt giá... đến thời điểm triển khai dự án, thì cơ quan quản lý chỉ ghi nhận giá trị này cho doanh nghiệp theo khung giá của UBND tỉnh, tại thời điểm này trong thời hạn còn lại chỉ hơn 100 tỷ đồng, nếu tính giá vốn bỏ ra thì Kim Oanh Group lỗ 600 tỷ đồng.
"Từ một quỹ đất có giá trị 1.000 tỷ đồng khi làm NOXH giá trị chỉ được ghi nhận 100 tỷ đồng. Tính ra dự án có hơn 1.600 lô đất, trung bình mỗi lô đất nhà ở xã hội chỉ được bố trí 70m2, như vậy trung bình mỗi 1m2 đất chỉ được ghi nhận giá vốn chưa tới 900.000 đồng/m2 (thuộc đô thị loại I, ngay trung tâm Thành phố mới tỉnh Bình Dương). Đây là điều bất cập, chưa hợp lý", bà Oanh nói.