Sau sầu riêng, một báu vật triệu đô của Việt Nam khiến người Trung Quốc mê đắm: Xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn, thị phần lọt top 3

Khánh Vy |

Việt Nam sở hữu diện tích trồng hàng trăm nghìn ha, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên toàn cầu.

Ảnh minh họa

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt được nhiều thành công cả về thị trường, sản lượng và trị giá xuất khẩu. Đóng góp vào mức tăng trưởng trên phải kể đến các mặt hàng rau quả như sầu riêng, xoài,... và đặc biệt là dừa. Loại quả này của Việt Nam được nhiều quốc gia ưa chuộng, trong đó có Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2024, nhập khẩu dừa của nước này đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 649,55 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 43,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung dừa chủ yếu cho Trung Quốc gồm: Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam, thị phần chiếm 98,71% tổng lượng.

Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt trên 253 nghìn tấn, trị giá 74,7 triệu USD, giảm 40,3% về lượng và giảm 30,3% về trị giá. Giá xuất khẩu dừa trung bình là 16,8 USD/tấn.

Thị phần trái dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhẹ từ 18,75% trong 11T/2023 lên 20,2% trong cùng kỳ năm 2024.

Theo Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, thị phần dừa xuất khẩu chiếm 5,29% trong tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong 11T/2024, tăng so với mức 4,16% của năm 2023.

Bộ Công thương đánh giá việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dừa Việt Nam chỉ là trong ngắn hạn. Bởi Trung Quốc đã đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với trái dừa tươi của Việt Nam từ ngày 19/8/2024. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dừa Việt Nam tiếp cận vào thị trường tiềm năng lớn Trung Quốc.

Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên toàn cầu, Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre). Điều này tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu loại quả này.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD trong năm nay nếu quá trình xuất khẩu diễn ra suôn sẻ.

Trong đó, dự kiến xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc đạt 250 triệu USD năm nay, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Năm ngoái, dừa tươi xuất sang thị trường này đạt 606.000 tấn, tăng 120% so với 2018, theo dữ liệu của Hiệp hội trái cây Trung Quốc.

Các chuyên gia đánh giá, trái dừa Việt có khả năng cạnh tranh với hàng từ Thái Lan, nhờ vị ngọt thanh mát của giống dừa xiêm, vốn được ưa chuộng tại nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.

Ngoài dừa tươi, Trung Quốc còn chuộng các sản phẩm chế biến như nước cốt dừa, sữa dừa, dừa sấy và thạch dừa – một topping phổ biến trong đồ uống. Xu hướng tiêu dùng thạch, dầu và nước dừa gia tăng nhờ lợi ích sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thạch dừa giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim mạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại