Các chuyên gia phương Tây tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tái gia nhập chương trình F-35 nếu giải quyết thành công các vấn đề liên quan đến việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Điều này có thể bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn S-400 khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn và chính sách quốc phòng của NATO.
Một số quốc gia có thể quan tâm đến việc mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Những người mua tiềm năng có thể bao gồm các quốc gia như Qatar, Pakistan và Azerbaijan, những quốc gia có mối quan hệ quân sự và chiến lược chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này muốn tăng cường mạng lưới phòng không của mình, đặc biệt là ở những khu vực có thách thức an ninh phức tạp.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ cho dừng hoạt động hay bán S-400 dường như không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Bởi Ankara đang đi theo "vết xe" của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi mà thỏa thuận mua F-35 đã bị chặn lại khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tham gia của công ty Huawei vào việc triển khai mạng 5G ở UAE.
Mạng 5G của Huawei
Sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc để triển khai mạng 5G đánh dấu bước tiến đáng kể trong cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này. Thỏa thuận đầy tham vọng này đòi hỏi phải triển khai rộng rãi các công nghệ 5G của Huawei trên khắp các vùng đô thị và nông thôn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sáng kiến này bao gồm việc lắp đặt các trạm gốc 5G, mạng trung tâm và phần mềm thiết yếu, góp phần nâng cao tốc độ internet di động và khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng lúc. Những tiến bộ này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và phát triển nhiều lĩnh vực trong tương lai.
Về mặt công nghệ, các giải pháp 5G của Huawei được xếp vào hàng tinh vi nhất thế giới, giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được với công nghệ tiên tiến nhất. Quan hệ đối tác này cũng mang đến cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm sâu rộng của Huawei trong việc triển khai 5G trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, Dân biểu Mac Thornberry, một thành viên có ảnh hưởng của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã cảnh báo rằng, việc Huawei mở rộng mạng 5G toàn cầu là động thái có tính toán của Trung Quốc nhằm xâm nhập vào các mạng lưới truyền thông toàn cầu, qua đó gây ra mối đe dọa an ninh đáng kể.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép công nghệ 5G của Trung Quốc hoạt động trong biên giới của mình và tiếp tục sử dụng hệ thống tên lửa S-400, bất chấp lời kêu gọi từ các đồng minh, cho thấy Ankara không có ý định tái gia nhập chương trình F-35. Trái ngược với dự đoán của các chuyên gia quốc tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ từ bỏ S-400, tuy nhiên hành động của Ankara lại cho thấy điều ngược lại.
Quyết định kiên định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giữ lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất, tiếp tục làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối lùi bước trong vấn đề S-400 cho thấy họ sẵn sàng đứng ngoài chương trình F-35. Lập trường này cho thấy rõ thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chương trình F-35, trong khi Mỹ coi S-400 là một rủi ro an ninh lớn có khả năng làm lộ công nghệ nhạy cảm của F-35 cho Nga.
Máy bay thế hệ thứ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ
Và một điều đáng chú ý nữa là chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. Được kỳ vọng là sự thay thế trực tiếp cho F-35, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm mua máy bay do đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Temel Kotil, Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), đã lên tiếng về sự vượt trội của KAAN so với F-35. Theo Kotil, KAAN có thể mang tới mười tấn vũ khí, so với sáu tấn của F-35. Thêm vào đó, với hai động cơ, KANN có khả năng hoạt động lớn hơn, phạm vi radar mở rộng và công suất mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, Kotil đã nhấn mạnh rằng đến năm 2028, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu bắt đầu giao 20 máy bay phản lực KAAN cho lực lượng không quân của mình, bất kể có tái gia nhập chương trình F-35 hay không.
Nỗ lực tự lực và ưu thế công nghệ này là một thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc phòng rộng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ quân sự nước ngoài.
Quang Hưng