Sầu riêng được gọi là vua của các loại trái cây, có mùi vị vô cùng đặc trưng, ai không quen có thể “ghét tưởng chết”, nhưng đã biết ăn rồi thì chẳng khác nào bị nghiện.
Và, như vẻ ngoài gai góc của sầu riêng, có khá nhiều lời truyền miệng đáng sợ liên quan đến nó.
Thường nghe nhất là ăn nhiều sầu riêng sẽ gây nóng trong người, nổi mụn, béo, tăng cholesterol, nhưng thế chưa là gì so với chuyện sầu riêng có thể gây chết người.
(Ảnh: Internet)
Có lẽ nhiều người đã nghe tin một người đàn ông khi du lịch đến Thái Lan đã ăn nhiều sầu riêng, sau đó uống sữa, rồi bị tử vong vì đau tim, với lượng chất độc trong người không kém gì nọc rắn.
Và không chỉ sữa, rượu hoặc nước ngọt cũng là những thứ không được sử dụng gần gũi với sầu riêng.
Điều này có thật hay không, khi kem hay sinh tố sầu riêng - những sự kết hợp ngọt ngào giữa sầu riêng và sữa - là món khoái khẩu của rất nhiều người?
Nhân sầu riêng đã vào mùa, các bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ làm rõ cho chúng ta vài điều về loại quả đặc biệt này:
Ăn sầu riêng rồi uống rượu hay sữa sẽ dẫn đến tử vong?
Theo Tiến sỹ Michael Wong, phó giám đốc Trung tâm Y khoa Raffles thì chưa có chứng cứ khoa học này xác nhận điều này.
Một số người bị ợ nóng và đầy hơi sau khi ăn nhiều sầu riêng là do lượng chất xơ và carbohydrate dồi dào trong loại quả này, và tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu uống rượu vào.
Không chỉ vậy, bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu do gan phải làm việc vất vả hơn bình thường để “xử lý” đồng thời cả lượng chất béo, đường cao lẫn chất cồn.
Còn theo quan điểm Đông y, chất cồn sẽ làm tăng nhiệt, kết hợp với sầu riêng vốn đã có tính nóng nên càng gây mất cân bằng âm-dương trong cơ thể, làm tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe sẵn có, chẳng hạn như bệnh tim mạch.
Do đó, việc dùng chung sầu riêng và rượu tuy không dẫn đến tử vong nhưng vẫn là điều hoàn toàn không nên làm.
Với tin truyền miệng liên quan đến sữa thì ngược lại, các chuyên gia cho đến nay không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào bất lợi cho sự kết hợp này.
Đau tim là tình trạng các cơ tim bị “đói” oxy, do tắc nghẽn ở động mạch, trong khi sầu riêng cùng sữa lại không hề gây hậu quả hình thành cục máu đông.
Thực tế sầu riêng đã và đang được dùng trong rất nhiều món ăn ngon cùng sữa như sinh tố, kem, bánh... (Ảnh: Internet)
Những người cholesterol cao không nên ăn sầu riêng
Thực tế là không hề có chuyện này, sầu riêng không chứa cholesterol và chất béo bão hòa.
Ngược lại, Tiến sỹ Abel Soh, bác sỹ chuyên khoa nội tiết tại Trung tâm Nội tiết và Tiểu đường Raffles cho biết trong sầu riêng có các chất béo không bão hòa đơn, sẽ giúp giảm lượng cholesterol xấu.
Sầu riêng rất nóng, có thể gây ho, thậm chí gây sốt nếu ăn nhiều
Điều này tùy thuộc vào việc bạn tin Đông y hơn hay Tây y hơn.
Theo quan niệm Đông y thì sầu riêng có nhiệt tính, nên bác sỹ Đông y Chew Hong Gian tại Raffles Chinese Medicine nói rằng, “Những người thể trạng nóng khi ăn quá nhiều sầu riêng có thể bị ho có đờm, đau họng và táo bón,” ngoài ra còn có thể bị sốt.
Tuy vậy, theo Tây y, Tiến sỹ Wong cho biết dù có khả năng ăn sầu riêng sẽ làm tăng nhẹ thân nhiệt nhưng không gây sốt, ho đờm hay viêm nhiễm đường hô hấp.
Sự tăng nhiệt này chỉ đơn thuần là kết quả của quá trình trao đổi chất và phản ứng hóa học trong cơ thể khi tiêu hóa loại trái cây chắc nịch này.
Đổ nước muối vào vỏ sầu riêng rồi uống từ đó sẽ điều hòa được nhiệt tính của sầu riêng?
Trong lời đồn này có sự thật, vì theo quan điểm Đông y, nước muối có thể giúp giảm độc tố và độ nóng, và do vậy có thể giảm bớt được các hậu quả khó chịu từ việc ăn sầu riêng. Tuy vậy, theo bác sỹ Đông y Chew cho hay, ta không cần phải uống từ vỏ quả.
Người bị tiểu đường có thể ăn sầu riêng thoải mái vì loại quả này không chứa đường
Loại trái này thật ra có lượng đường rất cao nên những người bị tiểu đường cần rất thận trọng. Theo Tiến sỹ Soh thì ba múi sầu riêng có thể chứa 20-30g carbohydrate, tương đương với lượng đường trong nửa lon nước ngọt hoặc một bát cơm gạo trắng.
Tổng hợp, theo straitstimes