LTS: Sau khi Tổng thống V.Putin nên nắm quyền thay B.Yeltsin, nước Nga đã thoát khỏi thời kỳ hỗn loạn thời hậu Xô viết; cùng với củng cố phát triển kinh tế để dần lấy hình ảnh một siêu cường trong quá khứ, Quân đội Nga cũng được đầu tư, xứng tầm với vị trí một cường quốc.
Sau cuộc chiến 5 ngày với Grudia, Quân đội Nga đã bộc lộ những lỗ hổng phải tiến hành cải tổ. Tuy nhiên, quá trình cải tổ quân đội Nga diễn ra không hề dễ dàng, suôn sẻ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết (2 kỳ) của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng xoay quanh vấn đề này.
Kỳ I: Mô hình nào cho Quân đội Nga
Từ bài học kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Afghanistan
Từ năm 1922 khi Liên Xô được thành lập, Lục quân Liên Xô luôn lấy sư đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản, cho đến khi cuộc chiến tranh Liên Xô – Đức nổ ra, để nhanh chóng khôi phục thực lực do bị tổn thất nặng nề trước đó, quân đội Liên Xô bắt buộc phải xây dựng một loạt lữ đoàn bộ binh.
Lữ đoàn bộ binh trong thời kỳ này hoàn toàn mang tính chất ứng phó khẩn cấp. Cùng với cục diện cuộc chiến được cải thiện, quân đội Liên Xô đã giải tán phần lớn lữ đoàn bộ binh trực thuộc các sư đoàn bộ binh, nhưng biên chế của lữ đoàn bộ binh cơ giới vẫn được duy trì cho đến sau cuộc chiến tranh.
Cùng với quân đoàn xe tăng biên chế thay đổi thành sư đoàn xe tăng; nhưng lữ đoàn bộ binh cơ giới lại được gọi tên lại là trung đoàn bộ binh cơ giới. Từ đó, quân đội Liên Xô chính thức xác lập hệ thống biên chế 4 cấp, bao gồm quân khu – tập đoàn quân – sư đoàn – trung đoàn, được sử dụng mãi cho đến khi Liên Xô tan rã.
Năm 1979, quân đội Liên Xô tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan, họ bê nguyên mẫu sư đoàn được xây dựng để đối phó trong cuộc chiến tranh quy ước với khối NATO sang đối phó với một cuộc chiến tranh du kích điển hình.
Những nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô đã nhanh chóng phát hiện ra rằng, cơ cấu sư đoàn bộ binh cơ giới quá cồng kềnh, không phù hợp với tác chiến chống du kích đòi hỏi có độ linh hoạt tương đối cao.
Do vậy, khi quân đội Liên Xô ở Afghanistan, họ đã xây dựng Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 66 và Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập 70. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Liên Xô sử dụng cấp lữ đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc.
Các đơn vị cơ giới của Liên Xô tiến vào Afghanistan năm 1979.
So với trung đoàn bộ binh cơ giới, lữ đoàn bộ binh cơ giới mang tính lâm thời này đã tăng thêm 1 tiểu đoàn bộ binh cơ giới và 1 tiểu đoàn đột kích dù. Ngoài ra, để đối phó với tác chiến địa hình rừng núi, quân đội Liên Xô còn tăng cường cho mỗi tiểu đoàn bộ binh 1 đại đội pháo cao xạ tự hành, 1 đại đội súng cối 82 mm.
Từ mô hình xây dựng kiểu biên chế này không khó nhận thấy, 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới này hoàn toàn nhằm phục vụ cho chiến trường Afghanistan, không mang tính phổ biến. Kiểu biên chế này chỉ phù hợp với đặc điểm của chiến tranh cục bộ có cường độ thấp.
Nhìn nhận từ một góc độ khác cho thấy, năng lực tác chiến độc lập này cao hơn trung đoàn bộ binh cơ giới, quy mô biên chế lại nhỏ hơn đơn vị cấp lữ đoàn của sư đoàn bộ binh cơ giới, phù hợp hơn với đòi hỏi phản ứng nhanh của chiến trường Afghanistan.
Hiệu quả tác chiến thu được rất tốt tại chiến trường Afghanistan của hai lữ đoàn bộ binh cơ giới này khiến cho các sĩ quan cao cấp quân đội Liên Xô phải xem xét lại sách lược lấy sư đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản.
Thêm vào đó tiềm lực quốc gia của Liên Xô lúc bấy giờ cảm thấy quá sức để gồng gánh một lực lượng vũ trang cồng kềnh như vậy, do đó, vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, các sĩ quan cấp cao quân đội Liên Xô bắt đầu bàn luận về thay đổi thể chế biên chế của lục quân.
Đó là rút gọn cấp bậc chỉ huy, tăng cường tính linh hoạt, cắt giảm quân số, nâng cao chất lượng quân đội, trong đó bao gồm thay đổi cấp bậc chỉ huy vốn có từ "tập đoàn quân – sư đoàn – trung đoàn" đổi thành "tập đoàn quân – lữ đoàn – tiểu đoàn", nhưng do Liên Xô tan rã nên kế hoạch này không được thực hiện.
Đến sự ra đời của lữ đoàn bộ binh cơ giới kiểu mới
Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nên bắt buộc Nga phải sử dụng ngân sách có hạn ấy vào việc xây dựng lực lượng hạt nhân, không tiến hành điều chỉnh quy mô lớn đối với biên chế của lục quân, tuy rằng trong biên chế có nhiều lữ đoàn bộ binh cơ giới (xe tăng) độc lập, nhưng vẫn lấy sư đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản.
Lúc này, do ảnh hưởng của biên chế quân đội Mỹ và kinh nghiệm từ cuộc chiến tại Afghanistan, quân đội Nga đã tiến hành xây dựng lữ đoàn bộ binh cơ giới kiểu mới (sau đây gọi là "Lữ đoàn kiểu mới" để phân biệt với lữ đoàn bộ binh cơ giới được xây dựng trong cuộc cách mạng "Diện mạo mới")
Về biên chế, "Lữ đoàn kiểu mới" quân số chiến đấu giữ nguyên, nhưng được tăng cường thêm sức mạnh hỏa lực như pháo chống tăng, tiểu đoàn phòng không hỗn hợp…So với lữ đoàn bộ binh cơ giới trong cuộc chiến Afghanistan, lữ đoàn bộ binh cơ giới quân đội Nga thời kỳ này là phù hợp.
Các đơn vị cơ giới Nga thiệt hại nặng trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất.
Nói tóm lại, năng lực tác chiến độc lập của "Lữ đoàn kiểu mới" tương đối mạnh, tuy vẫn tồn tại một số lỗ hổng, thế nhưng nó chỉ đảm nhiệm vai trò của bộ đội phản ứng nhanh trang bị hạng nặng. Đồng thời quân đội Nga vẫn chủ trương lấy sư đoàn bộ binh cơ giới làm nòng cốt, vì vậy, những hạn chế này vẫn có thể chấp nhận được.
Đối với quân đội Nga lúc đó, một lữ đoàn bộ binh cơ giới nhỏ hơn, linh hoạt hơn so với sư đoàn bộ binh cơ giới, nhưng hiệu quả chiến đấu lại cao hơn trung đoàn bộ binh cơ giới là điều lý tưởng, nhưng hiệu quả cuối cùng ra sao thì còn phải được kiểm nghiệm thêm trong thực tế chiến đấu. Và rất nhanh chóng, cuộc khảo nghiệm đã đến.
Cuộc khảo nghiệm trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất
Đối với Lục quân Nga, cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất là cuộc khảo nghiệm đầu tiên kể từ sau khi quân đội thành lập (quân đội Nga được tái thành lập năm 1992), rất đáng tiếc, kết quả lại không lý tưởng.
Nhìn lại cuộc chiến Chechnya lần 1, ngoài vấn đề các sĩ quan cao cấp quân đội Nga quá khinh thường địch ra, thì vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, họ đã vứt bỏ sạch trơn nguyên tắc chiến thuật và học thuyết quân sự vốn có của quân đội Liên Xô, nhưng lại không kịp thời xây dựng một bộ nguyên tắc chiến thuật và học thuyết quân sự phù hợp với đặc điểm lúc đó của họ.
Do vậy, quân đội Nga đã tham gia vào cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất trong hỗn loạn. Rất nhiều người đều xem thất bại của Quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất là ví dụ điển hình của sự thất bại trong tác chiến địa hình thành phố của quân đội trang bị hạng nặng nhưng cồng kềnh, kém hiệu quả.
Quân đội Nga trong chiến tranh Chechnya.
Từ thập niên 50 đến thập niên 60 thế kỷ trước, quân đội Liên Xô đã từng đưa tác chiến địa hình thành phố là chiến đấu trong điều kiện đặc biệt để tăng cường nghiên cứu.
Nhưng đến sau thập niên 70 thế kỷ trước, quân đội Liên Xô cho rằng, khu vực Trung Âu đã hầu hết đô thị hóa, bình quân cứ tiến về phía trước từ 30 đến 50 ki-lô-mét lại có một thành phố với quy mô trung bình, do vậy, quân đội Liên Xô cho rằng, chiến đấu trong đô thị đã trở thành tình huống thường gặp.
Có thể thấy, quân đội Liên Xô rất coi trọng chiến đấu trong điều kiện địa hình đô thị. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân đội Nga hoàn toàn không sử dụng chiến thuật như vậy.
Lữ đoàn bộ binh cơ giới 131 và Trung đoàn bộ binh cơ giới 81 dẫn đầu đã coi thường địch và tiến công liều lĩnh, sau khi chiếm lĩnh được ga tàu Grozny, ngay lập tức rơi vào vòng bao vây của lực lượng vũ trang Chechnya.
Cuối cùng, xem như đội quân Nga lớn mạnh đã thất trận trở về trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất. Sự thất bại của quân đội Nga, không chỉ làm cho các tướng lĩnh, quan chức Liên bang Nga ngạc nhiên, điều càng làm cho người ta ngạc nhiên hơn đó là, một đội quân hùng mạnh đã từng khiến NATO coi như cái gai trong mắt thực sự đã tan rã?
Đáp án đương nhiên là phủ định. Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất thực sự đã bộc lộc rất nhiều vấn đề của quân đội Nga, nhưng những vấn đề này đại đa số được quy về "di chứng" sau khi Liên Xô tan rã, là kết quả tất yếu của việc chính phủ Nga tự bỏ phí "sở trường" của mình.
Có điều, trong cuộc chiến này, thể hiện của "Lữ đoàn kiểu mới" vẫn là điểm đáng chú ý, do vậy cũng được quân địch "ưu tiên" bao vây. Lữ đoàn bộ binh cơ giới 131 trải qua loạt trận chiến đấu ác liệt, vẫn có thể duy trì được tuyến phòng thủ cơ bản, còn Trung đoàn bộ binh cơ giới 81 thì đã tháo chạy rút lui.
Đến chiến thắng của cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai
Trên cơ sở đúc rút bài học kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất; năm 1999 quân đội Nga phát động cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ 2.
Trong cuộc chiến này quân đội Nga đã khôi phục nguyên tắc chiến thuật tác chiến địa hình đô thị của thời kỳ quân đội Liên Xô, khi tấn công mục tiêu kiên cố đã tổ chức chi viện hỏa lực ở mức tối đa bằng không quân và pháo binh cho những lực lượng này, cuối cùng đã tấn công chiếm lĩnh thành công Grozny.
Quân đội Nga trong cuộc chiến Chechnya lần thứ 2 về biên chế không có sự thay đổi, sở dĩ có thể giành thắng lợi với một tổn thất tương đối nhỏ như vậy là do đã khôi phục được nguyên tắc chiến thuật của thời kỳ quân đội Liên Xô, đồng thời coi lực lượng vũ trang Chechnya thực sự là đối thủ.
Chiến thắng này trên thực tế đã che đậy rất nhiều vấn đề còn tồn tại của Lục quân Nga, đặc biệt đã che đậy tỷ lệ quân số đủ tương đối thấp của Lục quân Nga, bộ đội phải cần thời gian chuẩn bị động viên tương đối dài mới có thể lấp đầy khoảng thiếu hụt trong chiến đấu.
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
1. A Dirty War: A Russian Reporter in Chechnya Author: Anna Politkovskaya
2. A Military History of Russia: From Ivan the Terrible to the War in Chechnya Author: David R. Stone (preview available).
3. Trương Diệc Long "Quân sự thế giới" 02. 2017