Là cha mẹ, chúng ta đều muốn con mình luôn hạnh phúc, năng động, tốt bụng, có định hướng và độc lập.
Vì thế, không ít các ông bố bà mẹ không tiếc tiền mua tất cả đồ chơi mang tính giáo dục, đăng ký cho con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và lập ra một danh sách dài những kỹ năng để dạy con.
Mục đích là để con không bị tụt lùi với chúng bạn.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy trẻ em, chị Alanna Gallo – người sáng lập trung tâm Play. Learn. Thrive (tạm dịch: Chơi. Học. Phát triển) cho biết trong quá trình dạy học, chị phát hiện ra rằng những cô cậu học trò nhỏ của mình dù được cha mẹ đầu tư tối đa nhưng vẫn thiếu động lực và tính độc lập.
Mong muốn hiểu rõ hơn về học sinh cũng như muốn tìm ra một phương pháp để nuôi dạy 3 con của mình trở thành những đứa trẻ hạnh phúc, năng động, tử tế, tốt bụng và độc lập, chị Alanna đã tìm tòi và học hỏi rất nhiều.
Cuối cùng, bà mẹ 3 con cũng phát hiện ra 6 việc mà các cha mẹ thường bỏ qua nhưng đó lại là những yếu tố giúp trẻ thành công hơn trong tương lai.
Hãy cho con có thời gian để chơi với bạn bè, anh chị em hoặc một mình mà không có sự can thiệp hay hướng dẫn từ người lớn (Ảnh minh họa).
1. Khuyến khích con chơi tự do với đồ chơi đơn giản
Một trong những hoạt động tốt nhất khi vui chơi là trẻ được làm người chỉ huy. Nghĩa là trẻ được chơi theo ý của mình.
Cha mẹ nên biết rằng, ngoài việc học tập ra, vui chơi là cách để con học các kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong tương lai.
Do đó, hãy cho con có thời gian để chơi với bạn bè, anh chị em hoặc một mình mà không có sự can thiệp hay hướng dẫn từ người lớn.
Chỉ cần một vài chiếc hộp, một bộ lego, hoặc các khối gỗ cũng đã đủ để con tự dẫn dắt mình qua các trò chơi.
2. Cho con ra ngoài trời chơi
Chơi ở ngoài trời rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Bởi sống trong tự nhiên sẽ giúp con phát triển các kỹ năng như lắng nghe, chú ý, điều chỉnh cảm xúc và khả năng hợp tác.
Đặc biệt được hòa mình vào thiên nhiên như chơi trong vũng nước, bùn, mưa, tuyết, cỏ sẽ mang lại cho trẻ những trải nghiệm cảm giác tự nhiên tuyệt vời.
Hoặc đơn giản hơn là cha mẹ cùng con đi bộ một đoạn đường dài hay cho con chơi đá bóng ở một bãi đất trống thay vì trong sân nhà.
3. Cho phép con được thất bại trong giới hạn an toàn
Thất bại sẽ giúp con biết cách quản lý rủi ro khi lớn lên (Ảnh minh họa).
Cha mẹ cần phải cho trẻ nếm mùi của thất bại, vì chính nó sẽ giúp con biết cách quản lý rủi ro khi lớn lên. Việc chấp nhận thất bại cũng giống như việc chạy xe ở tốc độ cao, xoay vòng và ngã lăn ra.
Nhưng nếu ngay từ khi còn bé, trẻ được luyện tập nhiều lần thì sau này lớn lên con sẽ biết cách xử lý để không bị ngã nữa.
Thế nên, cứ mỗi khi muốn bước vào và nói "con cẩn thận" thì cha mẹ hãy cân nhắc và lùi lại một bước.
Để con được tự do leo lên cầu trượt, nhảy khỏi ghế hoặc tập đi thăng bằng trên một cái cây đổ là cách đơn giản để giúp trẻ xây dựng sự tự tin, khả năng phục hồi cũng như sức mạnh tinh thần khi đứng trước thử thách.
4. Cho con không gian và thời gian riêng
Khi đã quyết định cho con chơi tự do thì cha mẹ cũng nên dành cho con một không gian riêng biệt.
Ở đó không có sự hiện diện của cha mẹ, không có những lời nhắc nhở hay chỉ dẫn. Tốt nhất, khi đó bạn nên lui vào một khu vực khác của ngôi nhà và khuất tầm mắt của trẻ để con tập trung với việc chơi của mình.
5. Dạy con làm việc nhà
Làm việc nhà là một kỹ năng sống thực tế. Và dạy con làm việc nhà làm một việc rất quan trọng vì bạn không thể ở bên cạnh để chăm lo cho con cả đời.
Thêm vào đó, dạy con làm việc nhà còn giúp trẻ lớn lên trở thành người sống có trách nhiệm, biết chăm lo cho bản thân và mọi người xung quanh.
Cha mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn con từ những công việc nhỏ nhặt như lau bàn, xếp chén bát ra bàn ăn, rồi sau đó là lau nhà, bấm nút máy giặt, hút bụi…
Ngoài ra, để con phát triển hoàn thiện hơn, cha mẹ nên tập trung vào từng kỹ năng. Chẳng hạn như kỹ năng vận động thô là quét lá cây, xúc tuyết, xách giỏ quần áo… để các nhóm cơ phối hợp với nhau.
Và kỹ năng vận động tinh được phát triển khi trẻ bóc tách chất dẻo, rót nước từ bình nhỏ vào ly, hoặc phết mứt lên bánh mì.
Cứ mỗi ngày cha mẹ cho con thực hành một ít, dần dần con sẽ biết cách làm sao cho khéo léo hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
6. Đừng sợ con buồn chán
Chấp nhận sự buồn chán nghĩa là cho phép trẻ phát triển khả năng sáng tạo và tìm ra các hoạt động khiến bản thân vui vẻ mà không cần sự giúp đỡ của người khác.
Sự buồn chán còn là nơi để con học cách đối phó và vượt qua sự khó chịu, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo, độc lập và tự chủ.
Do đó, cha mẹ hãy bắt đầu tập cho con làm quen với sự buồn chán bằng một khoảng thời gian trong ngày không có kế hoạch gì, hoặc cố tình không mang đồ chơi trong những chuyến đi ngắn, hay khi đứng xếp hàng ở cửa hàng, siêu thị.
Rồi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự sáng tạo của trẻ trong khoảng thời gian không có gì để làm đó.