Sau Mỹ, quân đội EU không ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông?

Minh Thu |

Các quốc gia châu Âu được cho sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm điều động lực lượng hải quân ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong một sự kiện thảo luận về vai trò của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bà Liselotte Odgaard, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Washington cho rằng EU “đã bắt đầu tạo ra dấu ấn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Cũng theo bà Odgaard, EU nên có một chính sách tổng quan để phản đối hành động Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD/năm cũng như hỗ trợ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động xây dựng trái phép và quân sự hóa ở Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc không chỉ khiến các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà cả Mỹ và nhiều quốc gia khác tỏ ra lo lắng.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang đặc biệt quan ngại với sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Còn EU và một số quốc gia thành viên cũng không ít lần lên tiếng phản đối hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đáp trả hành động bành trướng của Trung Quốc, hải quân và không quân Mỹ đã tăng cường điều động tàu thuyền và máy bay tuần tra Biển Đông nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và mở cửa”. Hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ còn có sự tham gia của Pháp từ năm 2014.

Chuyên gia Odgaard cho biết trong những năm gần đây, một số quốc gia đã cử nhân sự lên tàu chiến Pháp để ủng hộ lời kêu gọi của EU về việc thực thi các quy định tự do hàng hải trên hải phận quốc tế.

“Điển hình, trong năm nay, Đan Mạch sẽ cử tàu hộ vệ và Pháp sẽ cử một nhóm tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là những nỗ lực mang tính từng bước một của một nhóm các quốc gia ủng hộ việc tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông”, bà Odgaard chia sẻ.

Cũng theo bà Odgaard, các nước EU nên tiến hành tập trận chung với Ấn Độ và Nhật Bản để gửi đi một thông điệp chung xuất phát từ nhóm các quốc gia chứ không phải từng nước đơn lẻ.

SCMP cho hay, hiện Anh có kế hoạch triển khai một trong số tàu sân bay của nước này tới Thái Bình Dương và đang cân nhắc xây dựng chuỗi căn cứ quân sự mới trong vùng. Pháp cũng đã thảo luận về khả năng tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội Nhật Bản.

Ông Patrick Cronin, người đứng đầu Ban An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Viện Hudson cũng kêu gọi “đưa EU vào tạo thế cân bằng” ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy định về tự do hàng hải trên những vùng biển quốc tế.

Nguyên nhân là do những mối quan ngại về thách thức an ninh và kinh tế tới từ Trung Quốc đối với EU xuất hiện ngày càng nhiều.

Cụ thể, hồi tuần trước, một văn bản của Ủy ban châu Âu (EC) đã lần đầu tiên chỉ đích danh Trung Quốc là “đối thủ kinh tế và làm thay đổi mô hình quản lý”.

Văn bản của EC còn đưa ra 10 đề xuất để tìm kiếm mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc cũng như tăng cường sự thống nhất trong EU trước tầm ảnh hưởng của đối tác thương mại hàng đầu của khối.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ cho thảo luận 10 đề xuất trên trong một cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 21/3. Đây sẽ là sự kiện đầu tiên trong nhiều năm EU có cuộc họp để bàn riêng về Trung Quốc. Điều đáng nói, cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang đi thăm Ý và Pháp trong tuần này. EU cũng sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc vào tháng Tư tới.

Phát biểu tại Brussels trong cuộc đối thoại an ninh với các Bộ trưởng Ngoại giao EU, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay Trung Quốc và EU còn tồn tại nhiều bất đồng trong một số vấn đề nhưng hợp tác vẫn là rường cột chính trong quan hệ hai bên.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu chia sẻ với SCMP rằng, ngoài những bất đồng trong việc hài hòa về khả năng tiếp cận thị trường giữa Brussels và Bắc Kinh, một vấn đề nghiêm trọng giữa EU và Trung Quốc chính là sự bành trướng của Bắc Kinh trên các vùng biển bao gồm Biển Đông .

Cũng theo nguồn tin này, hoạt động hải quân của các nước thành viên EU trên Biển Đông có thể diễn ra trong thời gian tới.

Anh cũng đã nhiều lần nhắc tới ý định tăng cường các hoạt động ở vùng biển châu Á và tiến hành hoạt động chung với Mỹ.

Hồi tháng Tám năm ngoái, tàu chiến của hải quân Anh đã tiến lại gần các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Sự xuất hiện của tàu chiến Anh khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối cực lực. Còn trong năm nay, Anh đã tổ chức hai cuộc tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông.

Ông John Hemmings, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Anh cũng cho hay, Anh đã cân nhắc xây dựng chính sách chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Theo ông Hemmings, số tiền 124 tỷ USD tương đương 12% trong tổng giá trị thương mại của Anh đến từ Biển Đông mỗi năm.

“Đây là con số tương đối lớn, do đó chúng tôi đặc biệt quan ngại về bất cứ ai cụ thể là Trung Quốc hay các nước trong khu vực cố tình tìm cách kiểm soát vùng biển này”, ông Hemmings cho hay.

Anh “sẽ không đi đầu nhưng chắc chắn sẽ đi theo và sẽ tham gia đồng thời trở thành một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng các nước quan tâm tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Hemmings nói thêm.

Hồi tháng 10/2018, Hà Lan cho biết sẽ đưa chiến hạm tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong sứ mệnh điều động lần đầu tiên tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2021.

“Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn thế khi Anh, Canada, Australia và các nước châu Âu cùng liên kết cùng nhau và hoạt động theo nhóm như vậy”, ông Hemmings kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại