Ngày 12/9, các nhà chức trách ở khu vực đông nam Trung Quốc đã bắt đầu sơ tán khoảng nửa triệu dân ra khỏi nhà trước khi khu vực này đối mặt với trận bão "khổng lồ" mang tên Talim dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối tuần này.
Liu Aiming, Giám đốc Cục khí tượng thuỷ văn Phúc Kiến cho biết, siêu bão Talim được dự báo sẽ tấn công một số thành phố trung tâm dọc bờ biển Phúc Kiến, bao gồm Phúc Châu và Ninh Đức.
Thông báo sơ tán có thể được ban hành cho khoảng 400.000 hoặc 500.000 người, mặc dù con số chính xác có thể thay đổi dựa theo tình hình thời tiết, bà Liu nói.
Hầu hết những người bị ảnh hưởng đều sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc ở các khu vực dễ bị lũ lụt hoặc lở đất, hoặc gần các địa điểm xây dựng, bà Liu nhấn mạnh, trường học và sân vận động sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.
Liu cho hay, bão Talim được hình thành ở phía Đông Philippines từ thứ 7 trước và với sức gió ổn định đang trên đường di chuyển tới Phúc Kiến, Đài Loan. Trong quá trình di chuyển, bão Talim đã gây ra lở đất, có khả năng trở thành cơn bão lớn nhất trong hệ thống dự báo bão của Trung Quốc, tương đương với bão cấp 4,5 tại Mỹ.
Nếu như người dân không muốn rời đi, các đội thanh tra và các quan chức chính phủ sẽ yêu cầu họ phải chấp hành lệnh di tản", Liu nói.
"Đó vốn là thói quen. [Nếu họ không được thông báo sơ tán] hầu hết mọi người sẽ ở lại trong nhà", Liu cho biết, bà "hơi ngạc nhiên về những gì đã xảy ra ở Mỹ".
Khi cơn bão Irma tấn công vào bờ biển Florida hồi tuần trước, hơn năm triệu người đã thực hiện lệnh sơ tán của chính phủ. Cuộc di tản gây ra ùn tắc lớn trên đường cao tốc, khiến nhiều trạm xăng hết nhiên liệu.
Mặc dù dân số Phúc Kiến nhiều gấp rưỡi dân số Florida và hai cơn bão Talim-Irma được đánh giá có sức mạnh tương đương nhau nhưng số người dân Phúc Kiến dự kiến đi sơ tán chỉ bằng 1/10.số những người đi tránh bão Irma.
Huang Peng, Giáo sư về kiến trúc và gió tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Bão quốc tế ở Florida cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng các phương thức khác nhau để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Ở Florida, chính phủ khuyên người dân đi tránh bão và điều đó là tốt nhất cho tình huống này", ông nói.
"Hầu hết người dân Florida sống trong các nhà gỗ trên nền đất thấp và chúng dễ bị gió mạnh phá hủy" - Huang nói - "Và bởi vì họ (người dân Florida) sống rải rác ở cả khu vực rộng lớn nên gây khó khăn cho công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão."
"Ở Trung Quốc, các cuộc sơ tán diện rộng thường không được coi là một lựa chọn nhưng đối với những người sống trong những căn nhà chất lượng kém hoặc những nơi có nguy cơ sụp đổ, thì tốt hơn là họ phải di dời", Huang Peng cho rằng, do mật độ dân số dày đặc nên việc sơ toán diện rộng không phổ biến tại Trung Quốc.
Hơn nữa, theo ông này, trong các dịp nghỉ lễ, Phúc Kiến thường xuyên tắc đường nên nếu sơ tán diện rộng sẽ gây hoảng loạn về giao thông.
Theo Wang Kanghong, nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm thiên tai khí tượng thuộc Bộ Giáo dục Nam Kinh, Giang Tô, chính phủ Trung Quốc đã rất thận trọng khi ra thông báo sơ tán. Lệnh sơ tán chỉ được ban hành nếu dữ liệu cho thấy các toà nhà dễ bị phá hủy bởi cơn bão.
"Tuy nhiên, khí hậu đang thay đổi. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối mặt với cơn bão lớn mà ít tòa nhà có thể chịu được", ông này nói.
Wang nói, quan chức cấp cao các địa phương đã có những kế hoạch khẩn cấp để đối phó với "kịch bản ngày tận thế". Kịch bản này bao gồm các mô phỏng máy tính cho thấy con đường nào được phép lưu thông hoặc những nhóm người nào cần được sơ tán trước.
"Nhưng không có gì bảo đảm một kế hoạch như vậy sẽ có hiệu quả. Chưa có một cuộc diễn tập sơ tán nào nên nhiều thứ có thể sai", Wang nói.