Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn nguồn tờ Nikkei (Nhật Bản) cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang tăng cường biện pháp quản lý với các nguồn tài nguyên trong nước.
Trong đó, đối với nguồn tài nguyên đất hiếm - nguyên liệu không thể thiếu trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chính phủ nước này nhiều lần lấy lý do như không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường để dừng các nhà máy sản xuất đất hiếm và tăng cường cấm các hoạt động khai thác và buôn lậu trái phép.
Theo Nikkei, trước đó năm 2010, Trung Quốc đã từng dừng việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản tạo thành cuộc "xung đột đất hiếm". Chính điều này đã khiến Tokyo "lao đao" trước Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất nam châm tại Nhật Bản cho biết, "có một số loại đất hiếm chỉ có ở Trung Quốc, giá thành của loại đất này chịu ảnh hưởng rất lớn từ thái độ của Bắc Kinh".
Công nhân Trung Quốc làm việc tại mỏ khai thác đất hiếm. (Ảnh: sina)
Một số ý kiến cho rằng, giá đất hiếm sẽ tăng trong thời gian tới do chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm toàn diện việc cung ứng và xuất khẩu.
Tờ báo Nhật Bản cũng cho hay, bắt đầu từ mùa hè năm 2016, Bắc Kinh đã tiến hành kiểm tra bất ngờ đối với công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy sản xuất đất hiếm trong vòng một tháng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty tư vấn tài nguyên Nhật Bản tiết lộ, tại các nhà máy bị kiểm tra đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm quy định. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường các hoạt động cấm buôn lậu.
Đồng thời, Trung Nam Hải đang cố gắng tăng giá đất hiếm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Giá đất hiếm tăng vọt buộc các doanh nghiệp sản xuất nam châm tại một số quốc gia như Nhật Bản phải cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh muốn sáp nhập các doanh nghiệp dự trữ và cung cấp đất hiếm của nhà nước và tư nhân vào sáu tập đoàn lớn nhằm tiến hành quản lý việc cung ứng chung. Tuy nhiên, việc sáp nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiến độ chậm, hiệu quả cũng không cao.
Ngoài ra, nước này cũng dự định xây dựng các ngành nghề liên quan ở trong nước nhằm ngăn chặn dòng chảy của đất hiếm ra nước ngoài.
Nikkei cho hay, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc đã "gần đạt ngang trình" với Nhật Bản, đang trở thành mối đe dọa của các doanh nghiệp Nhật Bản.
"Nhu cầu trong nước của Trung Quốc đã ổn định", tờ Nikkei dẫn lời Chủ tịch tập đoàn Advanced Material Japan Shigeo Nakamura.
Tờ này cho rằng, do thái độ khó đoán của chính quyền Trung Nam Hải nên các doanh nghiệp Nhật Bản không thể lơ là cảnh giác.
Sau sự kiện tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2010, Trung Quốc đã dừng hoạt động xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Khi đó, dù đây chỉ là một lệnh cấm tạm thời nhưng đã khiến các doanh nghiệp sản xuất nam châm động cơ của Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn.
Giới phân tích nhận định, nhằm dằn mặt về chính trị, Bắc Kinh đang tập trung đánh mạnh vào lĩnh vực kinh tế và văn hóa của các nước đối đầu như ngăn chặn làn sóng sao Hàn Quốc sang Đại lục phát triển hay hạn chế người dân sang Hàn Quốc du lịch.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã cắt giảm hoặc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một biện pháp trả đũa đối với các ngành sản xuất của Mỹ và cả vành đai kinh tế do Mỹ làm chủ đạo.
Tờ Thời báo Hoàn cầu từng cảnh cáo, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cần "tỉnh ngộ" và phải hiểu rõ sự phức tạp trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung vượt xa những gì ông từng tuyên bố khi còn tranh cử.