Từ MV-22 "Osprey" của Liên Xô
Hẳn độc giả không lạ lùng gì máy bay cánh quạt nghiêng MV-22 "Osprey" của Mỹ. Đây là loại máy bay đa nhiệm được trang bị rộng rãi trong Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng như Lực lượng Tự vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) .
"Osprey" đã hiện thực hóa ý tưởng cách đây hơn một thế kỷ về một loại máy bay có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) và trên đường băng ngắn (STOL) bằng cách sử dụng các cánh quạt kiểu máy bay trực thăng gắn trên cánh và có thể điều chỉnh chúng trong suốt chuyến bay.
Điều này làm tăng đáng kể đặc tính tốc độ của máy bay chuyển đổi so với đặc tính tốc độ của trực thăng thông thường (tăng gấp đôi).
Liên Xô cũng từng có chiếc máy bay cánh quạt nghiêng của riêng mình với dự án Mil Mi-30 Vintoplan (viết tắt là Rotorplane) vào năm 1970. Mil Mi-30 "Vintoplan" có thiết kế thân kiểu máy bay và các đặc điểm cho phép nó chở tới 32 người hoặc tối đa năm tấn hàng hóa.
Năm 1981, Liên Xô đã quyết định phát triển Mil Mi-30 và ngay sau đó quân đội cũng chấp thuận "Vintoplan" nhưng mong muốn chiếc máy bay có động cơ lớn hơn, mạnh hơn để cải thiện hiệu suất và khả năng chịu trọng lượng.
Năm 1982, thiết kế được gọi là РТАК-30 đã ra đời, 5 nguyên mẫu cũng đã được sản xuất.
Các cuộc thử nghiệm bay và cải tiến hệ thống điều khiển bay kéo dài đến cuối năm 1988 tuy nhiên do các vấn đề kỹ thuật vẫn tồn tại như việc các phi công nhận thấy cỗ máy này rất nguy hiểm khi hạ cánh.
РТАК-30 đã ra mắt công chúng tại Triển lãm Hàng không Paris vào tháng 6/1989 và được NATO định danh là "Hemlock".
Nhưng sau đó cùng với chuỗi sự kiện Liên Xô tan rã, РТАК-30 và người anh em Mil Mi-30 đã biến mất.
Tới "chim báo tử" của Nga
Ít giờ trước, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn nguồn tuyên bố từ nhà phát triển Hardberry-RusFactor cho biết họ đã chế tạo tạo ra một máy bay cánh quạt nghiêng có tên là "Lovkiy" (Nhanh nhẹn).
Tuy nhiên điểm khác biệt với "Osprey" đó là máy bay của người Nga hiện chỉ là một máy bay không người lái (UAV/Drone).
Mặc dù vậy, theo tuyên bố của nhà phát triển, công nghệ cánh quạt nghiêng giúp "Lovkiy" có khả năng bay nhanh và xa hơn gấp 2,5 lần so với tất cả các UAV/Drone dạng trực thăng hiện có trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Họ cũng lưu ý rằng chiếc UAV có khả năng đạt tốc độ lên tới 160 km/h nhưng tiêu thụ năng lượng ít hơn 70% so với các loại UAV bốn cánh khác và đó là lý do tại sao nó có thể ở trên không lâu gấp 2,5 lần.
Phạm vi bay và truyền dữ liệu của UAV lên tới 50 km, độ cao bay lên tới 5 km, thời gian bay là 1,5 giờ. Do có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng hoặc từ đường băng ngắn, UAV không cần máy phóng và vì vậy nó có thể được vận hành bởi chỉ một người điều khiển.
Các nguyên mẫu đã được thử nghiệm ở Ukraine và dựa trên kết quả thu được, nhóm động cơ, khả năng tải thêm thiết bị và loại vật liệu đã được nhà phát triển sửa đổi nghiêm túc.
Theo các chuyên gia của trang tin Topwar.ru, nhiệm vụ đầu tiên của "Lovkiy" trong tay các lực lượng Nga đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt gần như chắc chắn là trinh sát.
Việc loại vật liệu chế tạo được lên kế hoạch bằng sợi carbon giúp biến nó thành một "chú chim" bình thường trước con mắt của phòng không và thậm chí là binh lính đối phương.
Và một nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng đó là chỉ thị mục tiêu cho các loại hỏa lực khác - rất có thể các thiết bị liên quan sẽ được lắp đặt trên "Lovkiy" trong thời gian ngắn sắp tới.
Quan trọng hơn, độ bền bay lớn cùng thiết kế hình chim của UAV cũng có thể gợi ý về khả năng biến "Lovkiy" thành một loại bom đạn lảng vảng.
Có thể nói dù "Lovkiy" được sử dụng như thế nào, rõ ràng nó sẽ là chú chim báo tử của Nga cho tất cả các lực lượng đối địch trên chiến trường.
Được biết nhà phát triển UAV tuyên bố rằng nó đã nhận được bằng sáng chế về kiểu dáng công nghiệp cũng như bằng sáng chế cho phần mềm UAV. Công ty hiện đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào dự án để thiết lập sản xuất hàng loạt.
Quân đội Mỹ đã ngừng bay toàn bộ phi đội máy bay cánh quạt nghiêng V-22 "Osprey" sau vụ tai nạn khiến nhiều người thiệt mạng ngoài khơi Nhật Bản vào tháng 11/2023.
Cụ thể 1 chiếc CV-22B Osprey của Lực lượng Đặc biệt Không quân Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Yokota ở Tokyo đến Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Iwakuni ở Okinawa đã bị rơi trên Biển Hoa Đông vào ngày 29 tháng 11, khiến toàn bộ 8 người trên máy bay thiệt mạng.
Vụ tai nạn ít nhất là vụ tai nạn thứ 40 liên quan đến Osprey kể từ khi máy bay này được người Mỹ đưa vào sử dụng vào năm 2007, với tổng các vụ tai nạn đã khiến ít nhất 53 quân nhân Mỹ thiệt mạng cho đến nay.