Quá trình gia nhập OECD của Thái Lan bắt đầu chỉ 1 tuần sau khi nước này trở thành đối tác của khối BRICS - tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Phát biểu tại sự kiện công bố việc Thái Lan chính thức bắt đầu tiến trình gia nhập OECD vào chiều 30/10 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa nhấn mạnh xứ sở chùa Vàng mong muốn nâng cao hệ sinh thái của mình trên mọi lĩnh vực trong tiến trình gia nhập này. Theo Ngoại trưởng Maris, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn, chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy khu vực công hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, trong khi nền kinh tế sẽ trở nên kiên cường và bền vững hơn, hướng tới tăng trưởng toàn diện hơn.
Không giống như tư cách thành viên BRICS, OECD yêu cầu các quốc gia nộp đơn xin gia nhập phải sửa đổi luật và quy định trong các lĩnh vực như đầu tư, cạnh tranh và chống tham nhũng. Trong thập kỷ qua, các quốc gia như Colombia và Costa Rica đã cải cách hệ thống tư pháp và luật cạnh tranh để gia nhập OECD.
Theo giới chuyên gia, quá trình gia nhập OECD sẽ là một bản đánh giá tổng thể 360 độ về cách thức hoạt động của một đất nước cũng như những cải cách mà đất nước đó triển khai nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân về mọi mặt như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, cạnh tranh, mức sống, giáo dục, kỹ năng và y tế.
Ngoại trưởng Maris cho biết Thái Lan sẽ đại diện cho Đông Nam Á, đóng góp vào mục tiêu giúp OECD thu hút các nền kinh tế mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có 5 nền kinh tế hàng đầu dự kiến sẽ vượt tốc độ tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 và 2025.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng chuẩn bị bắt đầu quá trình gia nhập OECD. Indonesia đã trì hoãn việc đăng ký BRICS, trong khi Malaysia và Thái Lan đã trở thành đối tác chính thức trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tuần trước.