Trong 1 năm, từ tháng 9 năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia đã tăng vọt lên 8,1 tỷ USD , theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF).
Các nguồn FDI chính là từ Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Canada và Vương quốc Anh.
Khmer Times dẫn lời Aun Pornmoniroth, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, cho biết nước này đã củng cố vị thế là một trong những điểm đến đầu tư phát triển nhanh nhất trong khu vực.
“Với nền tảng vững chắc là hòa bình, trật tự xã hội, an toàn, an ninh và ổn định chính trị, Campuchia liên tục duy trì tăng trưởng cao, dẫn đến phát triển kinh tế đáng kể, giảm nghèo và đạt được vị thế thu nhập trung bình thấp vào năm 2015.
Trong năm 2024 và 2025, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và 6,3%, chủ yếu được hỗ trợ bởi động lực liên tục trong các ngành hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành may mặc”, tờ báo này dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia.
“Campuchia mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài sở hữu và hồi hương vốn tự do. Chúng tôi cho phép sở hữu 100% vốn nước ngoài trong hầu hết các ngành , ngoại trừ sở hữu đất đai, và cho phép các nhà đầu tư tự do mua ngoại tệ và hồi hương những ngoại tệ đó. Luật Đầu tư của chúng tôi cung cấp các khoản giảm thuế lên đến 9 năm, bảo đảm đầu tư và đơn giản hóa quy trình đăng ký doanh nghiệp”, Pornmoniroth cho biết.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cấp phép 315 dự án, mang lại 5,3 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 252.000 việc làm.
Lim Heng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia nói với tờ Khmer Times rằng, gần đây, đã có sự gia tăng đáng kể về đầu tư và đặc biệt, hầu hết các công ty này à các nhà sản xuất không phải hàng may mặc.
Dòng vốn FDI vào Campuchia đã thay đổi
Các công ty đầu tư vào ngành công nghiệp vừa và nặng, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà máy lắp ráp ô tô, chế biến nông sản và sản xuất lốp xe là những khoản đầu tư tốt cho nền kinh tế của đất nước, không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của ngành may mặc, ông nói thêm.
“Chúng tôi thu hút các nhà đầu tư vì hai yếu tố. Thứ nhất, chúng tôi có hiệp định thương mại tự do giữa Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bên cạnh hiệp định khu vực RCEP. Tranh chấp thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ là một động lực khác để các nhà đầu tư đầu tư vào Campuchia và xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc với mức thuế quan thấp.
Thứ hai, chính phủ chăm sóc các nhà đầu tư thông qua các diễn đàn đối thoại công tư nhằm bảo vệ và giải quyết các thách thức của khu vực tư nhân, và hiện nay chúng ta thấy rằng chính phủ đã cải cách nền kinh tế để thị trường thuận lợi hơn cho đầu tư”, Heng cho biết.
Anthony Galliano, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý đầu tư Campuchia kiêm Phó Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Campuchia, cho biết Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất và quan trọng nhất tại Vương quốc này với thị phần lớn nhất.
Ông nhận thấy rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, chẳng hạn như Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet, bất động sản và xây dựng, và sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và lắp ráp.
Ông cũng cho biết thêm rằng Campuchia không thu hút được đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghệ cao, lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài chính là hoạt động tài chính, sản xuất, bất động sản, nông nghiệp và năng lượng. Các lĩnh vực ngân hàng, tài chính vi mô và bảo hiểm cũng đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng”, Anthony cho biết.
Dữ liệu từ Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) vào tháng 6 cho biết FDI của Campuchia đạt 197,8 nghìn tỷ riel (48,4 tỷ USD) trong giai đoạn 2018-2023.
Nguồn vốn FDI chính là Trung Quốc với 45,6% tổng FDI, Hàn Quốc (11,8%), Singapore (6,5%), Nhật Bản (6,2%), Việt Nam (5,3%), Malaysia (4,4%, Thái Lan (4%), Canada (3,5%) và Vương quốc Anh (3,2%). Dòng vốn FDI từ các quốc gia khác là 9,5%.