Sau sứ mệnh tới Mặt trăng Chandrayaan-3 thành công, cùng với sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời của tàu Aditya-L1 đang triển khai tốt đẹp, Ấn Độ sắp triển khai sứ mệnh đại dương sâu có người lái đầu tiên trong lịch sử nước này.
Dự án nghiên cứu biển sâu của Ấn Độ có tên Sứ mệnh Samudrayaan. Với Samudrayaan, các nhà khoa học của đất nước đông dân nhất thế giới đang chuẩn bị đưa 3 người đi sâu 6.000 mét xuống Vịnh Belgan, trong một tàu lặn tự sản xuất có tên Matsya 6000.
Tàu lặn Matsya 6000. Ảnh: Kiren Rijiju/Twitter
Mục đích của dự án Samudrayaan là đưa người tìm kiếm các kim loại quý và khoáng chất như coban, niken và mangan trong lòng đại dương; cũng như nghiên cứu sự đa dạng sinh học tại đây.
Tàu lặn Matsya 6000 được các nhà khoa học Ấn Độ chế tạo trong gần 2 năm. Matsya 6000 sẽ trải qua cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên ở Vịnh ngoài khơi bờ biển Chennai vào đầu năm 2024.
Hiện, nhóm các nhà khoa học đang xem xét kỹ hơn thiết kế của Matsya 6000 sau khi tàu Titan phát nổ khi đưa khách du lịch đến xác tàu Titanic ở phía bắc Đại Tây Dương hồi tháng 6/2023.
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia (NIOT) của Ấn Độ, những người đang phát triển Matsya 6000, đã xem xét thiết kế, vật liệu, thử nghiệm, chứng nhận, dự phòng và quy trình vận hành tiêu chuẩn của tàu lặn Matsya 6000.
Bên cạnh việc tìm kiếm niken, coban, mangan, sunfua thủy nhiệt và khí hydrat, sứ mệnh của tàu lặn Matsya 6000 là nghiên cứu đa dạng sinh học tổng hợp hóa học trong các miệng phun thủy nhiệt và khí mê-tan nhiệt độ thấp thấm vào đại dương.
Giám đốc Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia G.A. Ramadass cho biết Viện đã thiết kế và phát triển một quả cầu có đường kính 2,1m để Matsya 6000 có thể chở được ba người.
Quả cầu sẽ được làm bằng hợp kim titan dày 80mm để chịu được áp suất 600 bar ở độ sâu 6.000 mét (lớn hơn 600 lần so với áp suất ở mực nước biển).
Tàu lặn Matsya 6000 được thiết kế để hoạt động liên tục từ 12 đến 16 giờ, nhưng nguồn oxy trong tàu có sẵn trong 96 giờ.
"Sứ mệnh sẽ không phá vỡ hệ sinh thái đại dương"
Hindustantimes đưa tin, Bộ trưởng Bộ Khoa học Trái đất Kiren Rijiju của Ấn Độ đã đến thăm Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia hôm thứ Hai ngày 11/9, nơi ông xem xét tàu lặn và cung cấp thông tin cập nhật về sứ mệnh đại dương sâu có người lái đầu tiên của Ấn Độ.
Sau chuyến thăm, ông Kiren Rijiju đã đăng bài trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) với nội dung: "Tiếp theo là 'Samudrayaan'.
Đây là tàu lặn 'MATSYA 6000' đang được chế tạo tại Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia ở Chennai.
Sứ mệnh đại dương sâu có người lái đầu tiên của Ấn Độ 'Samudrayaan' có kế hoạch gửi 3 người xuống độ sâu 6.000 mét dưới đại dương trong một chiếc tàu lặn để nghiên cứu tài nguyên biển sâu và đánh giá đa dạng sinh học".
Bộ trưởng Bộ Khoa học Trái đất Kiren Rijiju của Ấn Độ ngồi bên trong tàu lặn Matsya 6000. Ảnh: Kiren Rijiju/Twitter
Ông Kiren Rijiju nhấn mạnh dự án sẽ không phá vỡ hệ sinh thái đại dương. "Sứ mệnh Đại dương sâu hỗ trợ tầm nhìn 'Nền kinh tế xanh' của Thủ tướng Narendra Modi, đồng thời dự tính sử dụng bền vững tài nguyên đại dương để tăng trưởng kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế và việc làm cũng như bảo tồn sức khỏe hệ sinh thái đại dương".
Ngoài việc chia sẻ hình ảnh với các nhà khoa học và kỹ sư đang làm việc trên Matsya 6000, ông Kiren Rijiju còn cho biết, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư của Ấn Độ đang cống hiến để thực hiện Sứ mệnh Đại dương sâu thành công một cách bền vững.
Bên cạnh việc triển khai sứ mệnh Samudrayaan vào năm 2024, năm 2024 cũng là năm Ấn Độ lên kế hoạch cùng với NASA đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hoạt động.
Space cũng cho biết, Ấn Độ vẫn chưa đưa ai lên vũ trụ, nhưng quốc gia này đang nỗ lực thay đổi điều đó: Nước này đang phát triển và thử nghiệm phần cứng cho chương trình du hành vũ trụ có con người của riêng mình, được gọi là Gaganyaan, có thể phóng phi hành gia lần đầu tiên vào cuối năm 2024.
Nguồn: Space, Hindustantimes, Indiatimes