Đầu tháng 5, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thông báo đã tăng vốn điều lệ tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Lâm Đồng và chính thức chuyển đổi doanh nghiệp này thành công ty con.
Năm 2018, sau khi Thai Beverage chi đậm 4,84 tỉ USD thôn tính Sabeco, mặc dù lợi nhuận sau thuế trong năm suy giảm gần 550 tỉ đồng so với năm 2017 nhưng doanh thu từ bán bia của Sabeco vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, doanh số bán bia tăng thêm gần 1.000 tỉ đồng, đạt giá trị 30.800 tỉ đồng, tức khoảng 1,7 tỉ USD.
Mặc dù Hội đồng quản trị mới của Sabeco khẳng định năm 2018 có nhiều thử thách nhưng sản lượng bia-rượu-nước giải khát của Sabeco được tiêu thụ vẫn đạt xấp xỉ 1,8 tỉ lít.
Bước sang năm tài chính 2019, Sabeco công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1-2019 tăng trưởng lần lượt là 1.511 tỉ đồng (19%), và 134 tỉ đồng (12%) so với cùng kỳ năm trước.
Phần doanh thu và lợi nhuận tăng là do sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng trong năm 2019. Chưa kể phần tăng trưởng này vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá vốn và giá nguyên liệu tăng so với cùng kỳ.
Doanh thu từ bia quý 1-2019 tiếp tục được Sabeco công bố là gần 8.000 tỉ đồng, chiếm 85,7% doanh thu gộp toàn quý, tăng hơn 1.300 tỉ đồng so với quý 1-2018.
Theo Sách trắng 2019 của EuroCham, hiện có 4 công ty sản xuất bia lớn đang chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam là Habeco, Sabeco, Heineken N.V và Nhà máy bia Huế thuộc sở hữu 100% của Carlsberg. Bốn công ty này nắm giữ 90% thị phần, trong khi 10% còn lại được phân chia giữa Nhà máy bia Masan, Sapporo, AB InBev và Nhà máy bia Đông Nam Á cũng thuộc sở hữu của Carlsberg.
Việc Thai Beverage mua Sabeco giúp cho doanh nghiệp của tỉ phú Thái thâm nhập sâu vào thị trường bia trị giá khoảng 6,48 tỉ USD của Việt Nam, nơi có những yếu tố hấp dẫn là dân số trẻ, nền kinh tế năng động.