Sau khi vạch rõ EU, Georgia tiếp tục cáo buộc Mỹ điều gì?

Hoàng Vân |

Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze ngày 31/5/2024 đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đứng sau hai nỗ lực lật đổ chính phủ thất bại.

Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze

Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze

“Tbilisi cần xem xét lại mối quan hệ của mình với Washington, vì các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ đứng sau ít nhất hai nỗ lực lật đổ chính phủ”, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze nói với các phóng viên hôm 31/5/2024.

“Tôi không biết tại sao lại có hai nỗ lực cách mạng vào năm 2020-2021, và sau đó là vào năm 2022.

Tôi không biết tại sao lại có những nỗ lực này, nhưng thực tế là cựu đại sứ Mỹ đã làm hỏng rất nhiều thứ, rất nhiều thứ đã bị hủy hoại trong những năm đó, và điều này cần phải được sửa chữa”, ông Kobakhidze nói tiếp.

“Georgia sẽ làm mọi thứ có thể để cải thiện quan hệ với Mỹ, vì điều này có lợi cho cả hai nước”, Thủ tướng Georgia nói.

Mỹ đã đe dọa trừng phạt các quan chức cấp cao của Georgia sau khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ thông qua luật “Đặc vụ nước ngoài” vốn bị phương Tây lên án là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Chính phủ ở Tbilisi đã chịu áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc từ bỏ Đạo luật "Đặc vụ nước ngoài" hay còn gọi là Đạo luật minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài do chính phủ Georgia đề xuất, đến mức Washington và Brussels đã đe dọa các lệnh trừng phạt và ngăn chặn sự hội nhập EU và NATO của Georgia.

Đạo luật "Đặc vụ nước ngoài" yêu cầu các tổ chức, cơ quan truyền thông và cá nhân nhận hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với tư cách là tổ chức “thúc đẩy lợi ích của thế lực bên ngoài” và buộc phải tiết lộ các nhà tài trợ.

Phe chỉ trích dự luật ở Georgia, bao gồm phe đối lập trong Quốc hội và Tổng thống Zourabichvili, nói đạo luật giống với quy định có hiệu lực ở Nga vào năm 2012.

Dự luật được Quốc hội Georgia thông qua vào ngày 14/5/2024 nhưng bị Tổng thống Zourabichvili bác bỏ sau đó 4 ngày.

Ở Gruzia, vai trò của Tổng thống chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Quyền lực tập trung vào Thủ tướng Irakli Kobakhidze, người cũng là Chủ tịch đảng cầm quyền và là lãnh đạo phe đa số trong Quốc hội.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có phản ứng với đạo luật này, tuyên bố, Washington sẽ đưa ra các hạn chế về thị thực đối với “các cá nhân chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ ở Georgia, cũng như các thành viên gia đình của họ”.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách khu vực lân cận và mở rộng của EU, Oliver Varhelyi, đe dọa Thủ tướng Kobakhidze rằng, ông có thể gặp số phận tương tự như Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người suýt mất mạng sau một vụ ám sát vào tháng trước, được cho là có chính sách thân Nga.

Ngay sau đó, Thủ tướng Kobakhidze đã cáo buộc thành viên EU này tống tiền ông bằng những lời đe dọa ám sát liên quan đến luật “đặc vụ nước ngoài”.

Chính phủ Georgia đã phủ nhận rằng, luật này sẽ được sử dụng để trấn áp phe đối lập, và khẳng định luật này tương thích với các quy định của EU.

Theo RT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại