Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện liên tiếp xử tử 3 đại thần: Hé lộ lời sau cuối của Khổng Minh

Trang Ly |

Giống như vua cha, Lưu Thiện cũng là người giỏi ẩn mình, chờ thời?

Trong lịch sử tồn tại 42 năm của nhà Thục Hán (221 - 263), Lưu Thiện (hoàng đế thứ hai và cuối cùng của Thục Hán) luôn là một sự tồn tại bí ẩn. Ông thường bị coi là dưới trướng của Gia Cát Lượng, là một vị vua dựa dẫm vào thừa tướng và không có chủ kiến. Yếu đuối, bất tài là những cụm từ mà người đời nhận thấy khi người này bên cạnh Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện liên tiếp xử tử 3 đại thần: Hé lộ lời sau cuối của Khổng Minh- Ảnh 1.

Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim ảnh.

Tuy nhiên, sau khi Gia Cát Lượng qua đời chưa đầy một năm, hàng loạt hành động của Lưu Thiện khiến người ta bắt đầu đánh giá lại sức mạnh và trí tuệ thực sự của vị quân vương này.

Lưu Thiện lần lượt trừng phạt 3 đại thần quan trọng của Thục Hán. Chuỗi hành động quyết đoán này khiến nhiều người kinh ngạc và cho rằng Lưu Thiện không đơn giản như những gì ông thể hiện ra bên ngoài. 

Người đầu tiên bị Lưu Thiện xử tử là Lưu Diễm. Cái chết của một trong những lão thần có vị trí quan trọng trong triều đình Thục Hán liên quan đến vợ của người này - Hồ thị, vốn có nhan sắc hơn người.

Lưu Diễm trước kia phò tá Lưu Bị, sau khi Lưu Bị mất, người này tiếp tục phò tá Lưu Thiện. Nhận thấy hoàng đế trẻ tuổi không có tài trị nước cộng với việc tự cho mình đã lập nhiều công lớn cho nhà Thục Hán nên Lưu Diễm có phần khinh thường Lưu Thiện.

Đầu năm 234, Hồ thị (vợ của Lưu Diễm) vào cung để thỉnh an Ngô hoàng hậu và được Ngô hoàng hậu giữ lại bầu bạn suốt một tháng trời. Lưu Diễm lúc này nghi ngờ vợ mình tư thông với Lưu Thiện. Y không chỉ sai người hành hạ người vợ vô tội mà còn ép Hồ thị thừa nhận có gian tình với hoàng đế.

Không chịu được oan ức, Hồ thị tâu với hoàng đế. Hoàng đế nghe tin thì hết sức tức giận liền hạ lệnh giết chết Lưu Diễm.

Người thứ hai "không thoát khỏi cửa tử" chính là Lý Mạc. Tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng lâm bệnh nặng. Cuối tháng đó, chiến lược gia số một của nhà Thục Hán qua đời khi chiến dịch Bắc Phạt còn dở dang. Sau cái chết của Gia Cát Lượng, Hoàng đế Lưu Thiện vô cùng thương tiếc, lệnh cho để tang 3 ngày.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện liên tiếp xử tử 3 đại thần: Hé lộ lời sau cuối của Khổng Minh- Ảnh 2.

Cái chết của Gia Cát Lượng khiến nhà Thục Hán ai nấy cũng đau xót. Ảnh minh họa từ phim.

Trong bối cảnh quần thần nhà Thục Hán ai nấy đều tiếc thương Gia Cát Lượng, Lý Mạc dâng sớ lên hoàng đế hòng bôi nhọ thanh danh của Khổng Minh và khuyên triều thần không cần phải buồn bã. 

Hoàng đế Lưu Thiện không ngờ kẻ từng được Khổng Minh Gia Cát Lượng ra tay cứu một mạng trước đó lại buông lời phỉ báng ân nhân, nên hết sức phẫn nộ, lập tức tống giam kẻ này và ban chết không thương tiếc không lâu sau đó.

Người thứ ba tìm đến cái chết là Dương Nghi. Dương Nghi là đại thần giữ chức Thượng thư của nhà Thục Hán dưới thời Lưu Bị. Ban đầu, Dương Nghi theo phe Tào Tháo, phục vụ nhà Ngụy dưới trướng Phó Quần, về sau chạy sang Quan Vũ thời Quan Vũ đang trấn giữ Kinh Châu.

Trong thời gian nhà Thục Hán đánh Ngụy, có thể nói Dương Nghi là cánh tay đắc lực của Gia Cát Lượng khi người này lo việc lương thảo, bố trí quân ngũ rất nhanh nhẹn, tháo vát. Tuy nhiên, vì hư danh, vì lòng dạ hẹp hòi mà Dương Nghi liên tục mâu thuẫn với đại tướng Ngụy Diên. 

Sau cái chết của Gia Cát Lượng, Dương Nghi tự mãn cho rằng mình là người xứng đáng để thay thế Thừa tướng nhà Thục Hán, mà không phải là Tưởng Uyển. 

Khác với mong muốn của cá nhân. Tưởng Uyển được Lưu Thiện phong chức Thượng thư Lệnh (tuy không có ngôi vị Thừa tướng như Gia Cát Lượng) nhưng chức vụ này cũng thuộc hàng cao nhất trong triều - dưới một người mà trên vạn người. 

Trong khi đó, Dương Nghi - vốn từng bị Gia Cát Lượng ngầm đánh giá là có tài nhưng đức lại kém đôi phần - chỉ giữ chức Trung lang tướng, không được nắm giữ binh quyền.

Thất vọng. Bất mãn. Dương Nghi buông lời oán thán triều đình với đại thần Phí Y. Phí Y tâu lại với Hoàng đế Lưu Thiện. Ngay lập tức, Dương Nghi bị bãi chức quan, cho xuống làm dân thường. Quá phẫn nộ với hành động của hoàng đế, và cho rằng hoàng đế không nể tình những đóng góp của mình, Dương Nghi tiếp tục phỉ báng triều đình. Hành động này nhanh chóng phải trả giá. Dương Nghi cuối cùng bị tống vào ngục. Không chịu được nhục nhã, Dương Nghi tự vẫn. Khi đó là năm 235.

Hoàng đế Lưu Thiện: Ẩn mình, chờ thời

Chỉ trong khoảng 1 năm - ít lâu sau khi Gia Cát Lượng qua đời - 3 đại thần nhà Thục Hán đã phải nhận cái chết. Nếu như Lưu Diễm chết vì cả gan đổ oan cho hoàng đế, thì Lý Mạc phải chịu cái chết xứng đáng vì phỉ báng ân nhân (là Gia Cát Lượng), còn Dương Nghi phải chịu kết cục đầy đắng cay vì tài - đức không song hành.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện liên tiếp xử tử 3 đại thần: Hé lộ lời sau cuối của Khổng Minh- Ảnh 3.

Hình ảnh Lưu Thiện và Thừa tướng Gia Cát Lượng trên phim ảnh.

Toutiao (Trung Quốc) bình luận, có thể nói, cái chết của 3 người này không oan ức. Chuỗi sự kiện này cho quần thần thấy một "con người khác" của Hoàng đế Lưu Thiện. Vị quân vương này thực chất không hề bất tài, yếu đuối. Ngược lại, ông rất quyết liệt và là một người đầy nhân nghĩa.

Nhà Thục Hán tồn tại được 42 năm thì Lưu Thiện trị vì được 40 năm, 78 ngày (từ 223 - 263). Đây không phải là một khoảng thời gian ngắn. 

Sau khi Thừa tướng Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện khi đó đã 27 tuổi. Ở độ tuổi này, ông nhanh chóng nhận thức rõ trách nhiệm và sứ mệnh của một bậc quân vương đối với giang sơn mà vua cha đã lao tâm khổ tứ mới lập được. 

Và khi thực sự làm chủ quyền lực cao nhất của một vị vua, Lưu Thiện mới có thể góp phần vào sự ổn định và thái bình của nhà Thục Hán. Vì vậy, những quyết định của Lưu Thiện phần nào đã thể hiện sự dứt khoát, nghiêm nghị. 

Chuyện kể rằng, trước khi qua đời, Gia Cát Lượng có gửi một bức thư cho Lưu Thiện, có đoạn: "Là một bậc quân vương, hà tất phải xem thường bản thân và nghe những lời vô cớ để cản trở sứ mệnh gánh vác giang sơn trên vai". Những lời cuối cùng này của Gia Cát Lượng không phải lời của một quân sư lỗi lạc nhà Thục Hán khuyên hoàng đế, đơn giản đó là những lời tận đáy lòng của một người cha đối với con trẻ.

Lời quý giá đó đã có tác động sâu sắc đến Hoàng đế Lưu Thiện. Đó là lý do, sau cái chết của Thừa tướng, ai nấy cũng thấy một con người hoàn toàn khác của Hoàng đế nhà Thục Hán.

Hơn 10 năm sau khi tại vị (223 (năm lên ngôi) - 234 (năm Khổng Minh mất)), Lưu Thiện đã không ngừng âm thầm trau đồi kiến thức, ngày ngày tu dưỡng để có thể cai trị đất nước. Giống như vua cha - Lưu Bị, một người nổi tiếng về sự nhẫn nhịn, ẩn mình chờ thời - Lưu Thiện cũng thừa kế đức tính này để rồi một ngày khiến quần thần phải cung kính, kiêng sợ. 

Chính vì thế, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện mới có thể tiếp tục trấn giữ được nhà Thục Hán thêm gần 30 năm.

Tham khảo: Toutiao, Baidu, Sohu, History



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại