Mới đây, đoạn video quay cảnh một buổi họp phụ huynh ở Trung Quốc trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội.
Trong video, một ông bố vừa nghe vừa ngủ gục trên bàn, lại thay đổi nhiều tư thế thoải mái; Một người khác ngồi cùng bàn, mặc dù không ngủ, nhưng suốt buổi dùng gương mặt đầy chán nản nhìn giáo viên nói chuyện, thỉnh thoảng lại dùng quạt cho đỡ buồn.
Sau đó, một số cư dân mạng đã tung ảnh chụp hai bố con đầu tiên trong lớp, khi so sánh mới thấy họ gần như giống hệt nhau về động tác và biểu cảm.
Dưới phần bình luận, một người chia sẻ: "Hình ảnh này làm tôi nhớ đến một lần họp phụ huynh nọ. Vốn là con trai tôi đã nhiều lần phàn nàn về bạn cùng bàn. Cậu bé đó không thích lớp học, luôn nói chuyện, đập bàn, xê dịch ghế và can thiệp vào bài làm của bạn. Tôi muốn nhân cơ hội họp phụ huynh trò chuyện với cha mẹ của cậu bé, nhưng sau đó đã phát hiện ra vấn đề.
Trong tiết học, khi cô giáo nhận xét về học sinh, bà mẹ của cậu bé này liên tục cằn nhằn chuyện gì đó với chồng ở bên kia điện thoại. Khi một số phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, cô ấy vùi đầu vào xem video và thỉnh thoảng cười lớn, mặc kệ ánh mắt của những người xung quanh. Trước khi cuộc họp kết thúc, bà mẹ này cũng phàn nàn nhiều lần rằng cuộc họp quá dài và lãng phí rất nhiều thời gian của mình.
Cuộc họp phụ huynh khiến tôi nhận ra: Vấn đề của đứa trẻ rõ ràng có thể nhìn thấy ở mẹ mình".
Cha mẹ nào, con nấy
Có câu nói: Cha mẹ là người thế nào sẽ dạy con thành người thế ấy, đây thực chất là "hiệu ứng gương soi" trong giáo dục gia đình: Mỗi lời nói, việc làm của cha mẹ đều là tấm gương soi của trẻ, phản chiếu tương lai của trẻ.
Một đứa trẻ trong bộ phim tài liệu gia đình Gương có lời thú nhận rằng: "Tôi là một tấm gương, khuôn mặt của tôi có thể cho thấy tôi giống với cha mẹ như thế nào, cho dù là ở ngoại hình hay trong nội tâm".
Giáo dục tốt không phải là dạy một cách thụ động mà là truyền cảm hứng để trẻ tự giác học tập. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, do đó những lời nói và hành động của các bậc phụ huynh sẽ là ví dụ tốt nhất cho trẻ học theo. Cách mọi đứa trẻ lớn lên thực chất là sao chép cha mẹ hiện tại.
Hãy xem xét các tình huống sau đây:
Một cậu bé sơ ý làm đổ sữa, người cha nhìn thấy liền giơ tay lên cao định tát xuống nhưng đứa trẻ sợ hãi đưa tay ra chặn lại. Nhiều năm sau, khi trở thành một người cha, nhìn thấy con mình mắc lỗi, phản ứng đầu tiên của cậu bé ngày xưa với con cũng sẽ là hành động bạo lực.
Trong phòng khách, một người mẹ đang tức giận mắng con gái, cô bé sợ tới mức chỉ biết lấy tay bịt tai lại. Lúc này, bé sẽ không bao giờ nghĩ rằng sau này lớn lên mình sẽ trở thành một bà mẹ dễ "bốc hỏa".
Những cảm xúc mất kiểm soát của cha mẹ sẽ không biến mất mà chỉ chuyển sang con cái. Một cách từ từ, sự bạo lực hay cảm xúc bốc đồng in sâu vào tính cách, khiến đứa trẻ trở thành một người tương tự.
Một nhà văn từng nói: "Nếu tôi học được một chút tính khí ôn hòa, một chút nhân từ trong cách cư xử với mọi người, nếu tôi có thể tha thứ và thấu hiểu, tôi phải cảm ơn người mẹ yêu thương của mình".
Trẻ em là những người tiếp nhận năng lượng tự nhiên. Cha mẹ phải cố gắng tu dưỡng bản thân, khi xảy ra chuyện ít đổ lỗi, lúc bình thường sẽ khoan dung hơn, đối xử dịu dàng hơn với con cái thì con cái mới có thể học được cách quản lý cảm xúc và rèn luyện nhân cách tốt.
Nếu cha mẹ luôn tiêu cực, bi quan và phàn nàn, khuôn mặt của đứa trẻ phải xám xịt và không thấy ánh nắng. Và cha mẹ khôn ngoan, dù cuộc đời có cho họ quả chanh chua, họ cũng sẽ cắt nó thành những lát chanh, pha thêm nước mật ong, rồi rót cho con cái.
Chỉ có cha mẹ với nụ cười trên môi và ánh mắt sáng ngời mới có thể truyền niềm hạnh phúc và năng lượng tích cực cho con cái, dạy con sống với thái độ tích cực. Chỉ có cha mẹ lạc quan và thấu hiểu, biết động viên mới có thể lấp đầy cuộc sống của đứa trẻ với sự ấm áp và hy vọng, để con cái không sợ hãi trước mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống.