Sáng 25-10, TAND TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tuyên án sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ đối với 3 bị cáo, gồm: Đoàn Văn Thanh (cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho), Võ Trần Chí Công, Phạm Thị Quỳnh Anh, cùng là cựu cán bộ Đội Xử lý vi phạm hành chính, Công an TP Mỹ Tho.
Theo đó, bị cáo Thanh bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Công bị phạt 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Quỳnh Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo tòa, từ năm 2013 - 2016, có 253 hồ sơ vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông và trật tự được bị cáo Thanh bút phê chỉ đạo phạt "cảnh cáo" vì các hồ sơ này được người thân hoặc người trực tiếp vi phạm có đơn xin được phạt cảnh cáo với nhiều lý do. Hành vi này gây thiệt hại đến ngân sách hơn 650 triệu đồng, trong đó có 10 hồ sơ gây thiệt hại trên 10 triệu đồng.
Mặc dù bị cáo Thanh bút phê hoàn toàn vì "tình đồng chí" và không có tiêu cực, vụ lợi nhưng đã cấu thành tội phạm. Bị cáo Thanh đã nộp số tiền 650 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Công và Quỳnh Anh là đồng phạm với Thanh. Cụ thể, Công đã không xử phạt hành chính 130 hồ sơ nêu trên theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh, gây thiệt hại 385 triệu đồng; Quỳnh Anh xử lý sai quy định 42 hồ sơ vi phạm hành chính theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh gây thiệt hại 166 triệu đồng.
Luật sư bào chữa và bị cáo Thanh cho rằng bị cáo bị truy tố ra tòa là oan sai. Bởi, đối chiếu với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì bút phê cho phạt cảnh cáo (đối với thân nhân của cán bộ trong và ngoài ngành công an) không có yếu tố vụ lợi, cũng như động cơ cá nhân khác. Đơn giản chỉ là áp dụng pháp luật xử phạt hành chính chưa đúng với hình thức xử phạt.
Trong trường hợp hơn 10 vụ có mức xử phạt trên 10 triệu đồng dẫn đến bị truy tố trong vụ án này, bị cáo Thanh chỉ bút phê cho cấp dưới xem xét tình tiết giảm nhẹ cho người vi phạm. Sau đó, cấp dưới không tham mưu văn bản nào lên để Thanh ký quyết định phạt cảnh cáo. Do đó, đối chiếu với trình tự 3 bước trong xử phạt hành chính, luật sư cho rằng bị cáo chỉ mới hoàn thành bước đầu, tức chưa có bất kỳ quyết định phạt cảnh cáo nào do bị cáo ký.
"Ngoài ra, cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Tiền Giang căn cứ vào kết quả giám định tư pháp đối với 10 vụ có mức xử phạt trên 10 triệu đồng để kết luận điều tra, truy tố bị cáo là chưa đủ cơ sở pháp lý. Và đó cũng là căn cứ duy nhất để khởi tố, truy tố bị cáo. Trong khi cơ quan điều tra không có thẩm quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính" – luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh dẫn chứng.
Ngay khi tòa tuyên án sơ thẩm, bị cáo Thanh và bị cáo Công cho biết sẽ kháng cáo và "kêu oan".