Ông Dương Công Minh chính thức đắc cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank kể từ ngày 30/06/2017. Kể từ khi lên nắm quyền, ông chủ Him Lam đã cùng Ban Lãnh đạo triển khai rất nhiều hoạt động quyết liệt nhằm sớm khắc phục các vấn đề còn tồn đọng của Sacombank và cùng hướng đến việc đẩy mạnh kinh doanh trong thời gian tới.
Tái cấu trúc bộ máy, tái cấu trúc nhân sự
Số lượng nhân sự hiện tại của Sacombank là 17.036 người, tăng thêm 1.008 người so với đầu năm. Chỉ tính riêng trong tháng 7, số lượng nhân viên tăng thêm là 143 người.
Việc bổ sung nhân sự của Sacombank được cho là nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các điểm giao dịch trong giai đoạn tái cấu trúc sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) hồi năm 2015. Tính đến nay, Sacombank đã có tổng cộng 564 điểm giao dịch, trong đó 552 điểm phân bố tại 48/63 tỉnh thành trên cả nước, 8 điểm nằm tại Campuchia và 4 điểm tại Lào.
Trong tháng 7 vừa qua, HĐQT Sacombank cũng đã thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh, "thưởng nóng" 1 tháng lương cơ bản cũng như nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho toàn công ty.
Đối với dàn nhân sự cấp cao, Sacombank đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi. Cụ thể, ngay sau Đại hội Đại cổ đông thường niên, 3 Phó tổng giám đốc của ngân hàng đã rời vị trí để nhận chức vụ khác, bao gồm: Ông Hà Tôn Trung Hạnh giữ chức Trưởng Ban Kiểm Sát, ông Nguyễn Xuân Vũ giữ chức Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm lên làm Tổng giám đốc Sacombank.
Bên cạnh đó, HĐQT Sacombank trong tháng qua cũng đã có quyết định miễn chức vụ Phó tổng giám đốc và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Nhân theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 28/07. Trước đó, một Phó tổng giám đốc khác là bà Dương Hoàng Quỳnh Hương cũng đã bị thôi chức và điều chuyển sang làm Phó giám đốc vận hành từ ngày 25/07. Đây đều là hai lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Phương Nam trước khi sáp nhập với Sacombank.
Một số nhân sự được bổ sung trong giai đoạn này, gồm ông Lê Văn Ron, nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Long An và ông Phan Quốc Huỳnh, được điều chuyển từ công ty chứng khoán Sacombank (SBS).
Cùng với sự "thay máu" tại công ty mẹ, các công ty con của Sacombank tại Lào, Campuchia và Công ty Kiều hối Sacombank cũng diễn ra hàng loạt sự thay đổi trong quá trình tái cấu trúc.
Tại Sacombank Laos và Sacombank Cambodia, HĐQT Sacombank đã có quyết định 6451 và 6452 về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm các thành viên trong HĐQT vào ngày 27/07. Tuy nhiên, sang đến ngày 02/08, HĐQT lại hủy 2 quyết định này và đưa ra quyết định mới về nhân sự.
Cụ thể, tại Campuchia, ông Trịnh Văn Tý được thăng chức từ Phó Chủ Tịch lên Chủ tịch. Vị trí này trước đó từng được ông Trầm Bê nắm giữ từ 15/10/2015 đến 28/02/2017. Ông Nguyễn Nhị Thanh giữ chức Phó Chủ Tịch và vẫn tiếp tục làm Tổng Giám đốc của Sacombank Cambodia. Các thành viên còn lại trong HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm ông Nguyễn Phúc Vinh, ông Chhuon Chhen và ông Nguyễn Văn Minh, ông Dương Thế Nhựt Xuân là Thành viên HĐQT độc lập.
Những thay đổi nhân sự tại Sacombank Cambodia
Sacombank tại Lào cũng có rất nhiều sự thay đổi trong HĐQT, trong đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn từ Phó Chủ tịch được lên giữ chức Chủ tịch, ông Phạm Quang Phú vẫn tiếp tục giữ chức Thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Những thay đổi nhân sự tại Sacombank Laos
Đột phá lợi nhuận trong tháng 7, xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu
Theo báo cáo về kết quả kinh doanh trong tháng 7, lợi nhuận của Sacombank trước trích lập dự phòng và các khoản chi phí trích trước đạt 552 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 159 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với lợi nhuận bình quân của 6 tháng trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 175 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm đến này và cao hơn bình quân 6 tháng trước 79 tỷ đồng.
Thu nhập thuần tháng 7 của Sacombank đạt 851 tỷ đồng, tăng 521 tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế đạt 3.937 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016, tỷ trọng thu nhập Mảng Bán lẻ vẫn ở mức cao, đạt 69,1%.
Thu nhập đến từ lãi thuần trong tháng 7 đạt 750 tỷ đồng (cao nhất trong 7 tháng đầu năm), thu từ dịch vụ cũng đạt mức là 124 tỷ đồng. Lũy kế đạt 851 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao tập trung ở dịch vụ thanh toán nội địa, thẻ và ngân hàng điện tử, chiếm tỷ trọng 21,6% trong tổng thu nhập.
Ngoài ra, mới đây, ngày 28/07, Sacombank cũng thông báo đã hoàn tất chốt lời toàn bộ 11,2 triệu cổ phiếu BCO của CTCP Đầu tư & Xây dựng Nhà Bình Chánh, thu về hơn 336 tỷ đồng thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 587 tỷ đồng, vượt 42% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 7 tháng đạt 754 tỷ đồng, vượt 28,8% so với kế hoạch. Theo thông cáo của Sacombank, khả năng ngân hàng này đạt mức lợi nhuận trước thuế 1000 tỷ đồng vào cuối năm như tuyên bố của ông Dương Công Minh trong ngày đầu nhậm chức là rất khả quan.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, Sacombank đã xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu, dư phòng rủi ro tín dụng đã trích lập đạt 5.044 tỷ đồng. Trước đó, vào đầu tháng 7, ngân hàng cho biết trong 6 tháng đầu năm đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ nợ bán VAMC.
Vào ngày 21/07 vừa qua, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017, ông Dương Công Minh đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 phải xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong thời gian qua, những gì Sacombank đạt được đang cho thấy rất rõ quyết tâm này của vị Tân chủ tịch.
Đến hết 31/07, tổng giá trị tài sản của Sacombank là 354.807 tỷ đồng, tăng 25.620 tỷ đồng (7.8%) so với đầu năm. Nguồn vốn huy động toàn Ngân hàng chủ yếu đến từ huy động thị trường 1 (tỷ trọng tăng từ 95.6% lên 96.6%) với mặt bằng lãi suất diễn biến ổn định. Tổng tín dụng của Sacombank cũng tăng 12,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7,9%, giúp nâng cao nguồn thu chính của ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 214.879 tỷ đồng, tăng 21.781 tỷ đồng (11,3%) so với đầu năm.