Sau hơn 200 ngày cầm quyền, Tổng thống Trump đã “trảm” bao nhiêu nhân sự Nhà Trắng?

Quốc Vinh |

6 tháng kể từ ngày cuộc điện đàm với Tổng thống Putin diễn ra, những cố vấn bên cạnh ông Trump khi đó đã đi hết, chỉ còn lại Phó Tổng thống Mike Pence.

Tám ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong căn phòng với năm vị cố vấn hàng đầu: Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Chiến lược gia trưởng Steve Bannon, Thư ký báo chí Sean Spicer, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Phó Tổng thống Mike Pence (xem ảnh). Chỉ hơn 200 ngày sau đó - chính xác là 202 ngày - những người ở lại chỉ còn ông Trump và ông Pence.

Sự ra đi của Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon hôm 19/8 chỉ là sự thay đổi mới nhất trong một nội các vốn biến động của Tổng thống Trump.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn thậm chí còn chưa bắt đầu công việc được một tháng thì đã bị sa thải sau vụ lùm xùm nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về việc gặp đại sứ Nga trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Chánh văn phòng Reince Priebus và Thư ký báo chí Sean Spicer cũng rời vị trí hồi tháng trước, sau khi Anthony Scaramucci được thuê làm Giám đốc truyền thông. Spicer từ chức để phản đối, còn Priebus phải muối mặt ra đi. Chỉ còn lại Phó Tổng thống Mike Pence - người được chọn trong cuộc bầu cử vừa qua có lẽ là nhân vật không thể bị sa thải, trừ khi ông bị luận tội.

Đó là còn chưa kể đến Mike Dubke, Giám đốc truyền thông đầu tiên của chính quyền Trump, người còn chưa mấy khi xuất hiện công khai đã kết thúc nhiệm vụ hồi tháng Năm. Người thay thế Anthony Scaramucci còn thê thảm hơn khi chỉ 10 ngày sau khi được bổ nhiệm, nhân vật này tiếp tục bị "đuổi" vì không đủ năng lực và tiêu chuẩn phục vụ công việc.

Một trường hợp nữa là Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Katie Walsh đã "ra đi" từ tháng Ba, sau khi vấp phải những đòn công kích vào uy tín cá nhân từ phe đối lập.

Tuy nhiên, không phải tất cả những bổ nhiệm nhân sự từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump đều không còn một ai. Người ta vẫn thấy một số cố vấn cao cấp như Jared Kushner (con rể ông Trump), Stephen Miller, Kellyanne Conway, trợ lý báo chí Hope Hicks và Dan Scavino vẫn tiếp tục vai trò quan trọng của mình.

Dẫu vậy, bầu không khí căng thẳng hỗn loạn ở nơi tập trung quyền lực nhất nước Mỹ không thể che giấu nổi tai mắt của giới truyền thông.

Sau hơn 200 ngày cầm quyền, Tổng thống Trump đã “trảm” bao nhiêu nhân sự Nhà Trắng? - Ảnh 1.

Anthony Scaramucci còn chưa ngồi ấm chỗ trên ghế Giám đốc truyền thông Nhà Trắng đã phải ra đi.

"Nhà Trắng đang vận hành rất tốt. Tôi thừa hưởng một mớ hỗn độn và đang trong quá trình sàng lọc nó", nhà lãnh đạo Mỹ viết trên trang Twitter cá nhân hôm 18/2. Tuyên bố của ông Trump có thể đúng vào thời điểm đó, nhưng 6 tháng sau, mọi chuyện dường như đã khác.

Tờ CNN bình luận, chính quyền của Trump đang thể hiện một sự hỗn loạn và không có định hướng rõ ràng. Thậm chí những người trong cỗ máy đó còn nơm nớp lo sợ không biết khi nào mình sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Giới quan sát chỉ ra rằng, Tổng thống Trump đã sa thải rất nhiều sự lựa chọn cho vị trí cấp cao trong nội các chỉ sau 7 tháng đầu nhiệm kỳ. Trong khi đó, người tiền nhiệm Barack Obama chỉ sa thải bốn quan chức chính thức cùng một nhân viên tạm thời trong hơn tám năm cầm quyền – một con số mà nếu so sánh với ông Trump, công chúng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi.

Theo tờ Washington Post, sự hỗn loạn hiện tại xuất phát từ việc Tổng thống thiếu đi sự tin tưởng đối với người phụ tá quan trọng nhất của Nhà Trắng. Mặc dù bổ nhiệm Reince Priebus là Chánh văn phòng Nhà Trắng – ông Trump chưa bao giờ trao đủ thẩm quyền cho nhân vật này.

Giới phân tích chỉ ra, khi có sự bất đồng ý kiến giữa các cố vấn cấp cao của Tổng thống, Chánh văn phòng được coi như một nhân vật tham mưu, quản lý và hoạch định chính sách chung của Nhà Trắng, để đảm bảo mọi thứ đi đúng với định hướng ban đầu. Tuy nhiên, có vẻ như Priebus là nhân vật không có đủ sức nặng, uy tín để điều phối, dung hòa những cá tính mạnh trong chính quyền.

Ngoài ra, một phần lý do khác đến từ sự bảo thủ của Tổng thống Trump. Theo bình luận viên James Pfiffner của tờ Washington Post, sự bất mãn được thể hiện sau khi Tổng thống Trump nhiều lần phớt lờ những ý kiến đến từ quan chức hàng đầu của ông, cũng như không tham vấn ý kiến của những quan chức này về lĩnh vực họ được giao phụ trách.

"Cử tri của Trump có thể sẽ cảm thấy buồn bã khi biết rằng nước Mỹ không thể vĩ đại thêm một lần nữa", cựu cố vấn Trump - Sam Nunberg nói. "Chúng ta sẽ cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại