Hàng xóm sát vách trắng tay sau vụ cháy
Theo dự kiến, vào đầu tháng 3 tới đây TAND quận Ba Đình sẽ đưa ra xét xử vụ cháy nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp (72 tuổi, được gọi là Hiệp “khùng”, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) xảy ra vào chiều 17/9/2018, khiến 2 người tử vong. Ông Hiệp bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Trưa 28/2, PV tìm về ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành ngay cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi xảy ra vụ cháy cách đây hơn 1 năm, khung cảnh khu trọ hiện đang hoang tàn, đổ nát.
Ngồi thất thần trước cửa nhà sát vách với căn nhà trọ trước kia của ông Hiệp "khùng", anh Trần Thụ (SN 1976) buồn bã nói, đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng hậu quả của vụ cháy đối với gia đình anh quá nặng nề.
Con ngõ dẫn vào khu nhà trọ của ông Hiệp "khùng" bị cháy vào chiều 17/9/2018.
Thời điểm xảy ra vụ cháy, vợ chồng anh đang mở Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quốc tế Trần Vũ, chuyên đưa du học sinh, người lao động sang Nhật Bản để lao động, học tập.
Nhưng sau vụ cháy, mọi công việc đều phải gác lại và vợ chồng anh đang đứng trước nguy cơ phải hầu tòa. Bởi khi xảy ra cháy, toàn bộ hồ sơ gốc gồm bằng đại học và các giấy tờ khác của những người lao động, du học sinh chuẩn bị sang Nhật Bản để trên tầng 3 của gia đình anh bị ngọn lửa thiêu rụi.
Không chỉ hồ sơ, bằng đại học bị thiêu rụi mà số tiền cọc vợ chồng anh Thụ đã thu của những người này, mỗi người gần 100 triệu với tổng số gần 3 tỷ đồng, cũng bị cháy theo.
"Theo quy định của pháp luật thì với người đi du học, xuất khẩu lao động, bên phía công ty đưa đi sẽ không được thu tiền cọc.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng du học sinh, người đi lao động bỏ trốn, chúng tôi đã thu tiền cọc của hơn 30 người để đảm bảo. Khi mọi người sang đến nơi, mọi thứ ổn định, phía công ty sẽ trả lại...", anh Thụ lý giải về việc thu tiền đặt cọc của những người muốn sang Nhật Bản.
Khung cảnh khu trọ sau vụ cháy.
Vợ chồng anh sau đó làm lại những bản chứng thực bằng đại học, giấy tờ trong hồ sơ cho hơn 30 người, nhưng số tiền cọc gần 3 tỷ đồng thu trước đó không có khả năng chi trả.
Những người bị vợ chồng anh Thụ thu tiền cọc trước đó đã làm đơn kiện ra tòa liên quan số tiền mà họ nộp.
"Trong buổi làm việc tiếp theo diễn ra vào tháng 3 tới, nếu vợ chồng tôi vẫn không khắc phục được số tiền đã thu trước đó của các học viên thì bên phía các bị hại sẽ đâm đơn lên công an.
Việc vợ chồng tôi phải ra tòa là điều khó tránh khỏi...", chị Vũ Thị Thu Huyền (SN 1976, vợ anh Thụ) lo lắng nói.
Một phần của căn nhà trọ bị cháy trước đây được vợ chồng anh Thụ tận dụng để làm chỗ nấu ăn.
Tờ giấy niêm phong trước cửa 1 căn phòng trọ vẫn được giữ nguyên vẹn mặc dù hơn 1 năm đã trôi qua.
Chị Huyền bày tỏ, đám cháy xảy ra là điều không ai mong muốn và các hộ đều bị thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần. Gia đình chị ngoài những điều đó còn đối diện với việc phải hầu toà, vì không thể khắc phục được số tiền cọc thu của hơn 30 người.
Công ty Trần Vũ của gia đình chị đã tạm dừng mọi hoạt động sau vụ cháy. Gần 1 tháng sau đám cháy kinh hoàng đó, anh Thụ đi học bằng lái xe ô tô, thời gian đầu chạy taxi để lo cho gia đình.
Chỉ sau mấy tiếng xảy ra vụ cháy căn nhà trọ sát vách, vợ chồng anh Thụ mất tiền bạc, suy sụp tinh thần.
Sau đó, anh chuyển sang chạy xe đưa đón người Nhật Bản đang làm việc tại Hà Nội. Hơn 1 năm qua, chị Huyền ở nhà chăm con và không có thêm thu nhập.
"Đang là một người lao động hăng say, cộng với công ty làm ăn đi lên, có uy tín nhưng tự dưng chúng tôi phải ngồi một chỗ không có công ăn việc làm. Ngồi suy nghĩ về mọi thứ đã mất là điều khổ sở không gì có thể diễn tả bằng lời...", anh mắt buồn rầu, chị tâm sự.
Chị mong muốn trong thời gian tới, gia đình sớm nhận được tiền giải phóng mặt bằng mảnh đất mà vợ chồng đang ở, để có tiền khắc phục khoản tiền cọc đã thu kia. Chỉ có như vậy, vợ chồng chị mới có thể tránh được cảnh ra toà và đối diện án tù.
"Lúc mới cháy, chưa nghĩ đến giấy tờ, tiền đặt cọc của mọi người, hai vợ chồng nhìn ngọn lửa vẫn động viên nhau cùng làm lại từ đầu.
Tuy nhiên, sau đó thì mọi thứ tồi tệ hơn nhiều lần...", chị buồn bã chia sẻ.
Tấm biển Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Trần Vũ được khắc bằng đồng hoen ố sau hơn 1 năm công ty này ngừng hoạt động.
Ông Hiệp "khùng" không có lời xin lỗi
Nhắc lại buổi chiều ngày 17/9/2018, anh Thụ vẫn nhớ như in. Anh kể rằng, chiều hôm đó, sau khi thu tiền đặt cọc của những người chuẩn bị đi Nhật Bản, cộng với khoản tiền 2 vợ chồng tính mua ô tô, anh định mang ra ngân hàng gửi.
Gần đến giờ đón con đi học về, anh nghĩ để tiền ở nhà một hôm không có vấn đề gì nên đã đến trường con học.
Đến khoảng 17h cùng ngày, ngọn lửa bất ngờ bùng phát dữ dội ngay sát vách nhà, anh chỉ kịp kêu vợ đang ở trên tầng 5 và con trai ở tầng 2 thoát hiểm, toàn bộ hồ sơ và tiền bạc thì không kịp đem được thứ gì.
Vợ chồng anh khẳng định, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quốc tế Trần Vũ trước khi xảy ra vụ cháy có đầy đủ giấy tờ, chức năng, năng lực tư vấn xuất khẩu lao động, du học sinh sang Nhật Bản làm việc, học tập.
Theo anh, thời điểm xảy ra vụ cháy, vợ chồng anh không trách gì ông Hiệp "khùng" nhưng thái độ về sau của ông này khiến nhiều người bức xúc.
"Sau vụ cháy, ông ta không hề có lời nào xin lỗi vợ chồng tôi mà còn có lời nói thách thức khiến chúng tôi rất bức xúc...", chị Huyền kể.
Cùng chung nhận xét với chị Huyền, bà Ph. (có nhà trọ bị ảnh hưởng sau đám cháy) nói, sau vụ việc ông Hiệp không hề có lời xin lỗi đối với gia đình bà và người dân trong khu vực.
Chiều 28/2, thông tin với PV, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, cách đây khoảng 1 tuần ông có nhận được thông báo của TAND quận Ba Đình về việc vào ngày 4/3, sẽ diễn ra phiên xét xử vụ cháy nhà trọ của ông xảy ra vào ngày 17/9/2018.
Trao đổi với PV về trường hợp hi hữu của vợ chồng anh Trần Thụ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu có đơn thư tố cáo của những người gửi hồ sơ cho vợ chồng anh Thụ thì cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ vợ chồng anh này có thành lập công ty tư vấn giới thiệu việc làm hay không, công ty này có đủ chức năng tư vấn xuất khẩu lao động hay không? Hoạt động tiếp nhận hồ sơ của hai vợ chồng anh Thụ căn cứ vào các văn bản pháp lý nào?...
Theo quy định của pháp luật thì hoạt động tư vấn, xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải có giấy phép kinh doanh và đủ điều kiện kinh doanh.
Trường hợp vợ chồng anh Thụ đủ các loại giấy tờ, pháp lý cần thiết về tư vấn xuất khẩu lao động và số tiền, tài liệu mà anh này nhận của những người lao động không may bị cháy do hỏa hoạn, thì người có lỗi gây ra hỏa hoạn có nghĩa vụ phải bồi thường đối với những thiệt hại này.
Trong trường hợp đó vợ chồng anh Thụ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy vợ chồng anh Thụ đã nhận tiền, hứa hẹn đưa người đi nước ngoài, nhưng không chứng minh được mình có thẩm quyền, chức năng, đủ điều kiện theo quy định pháp luật để đưa người đi nước ngoài thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, nếu trường hợp vợ chồng anh Thụ có đủ chức năng, đủ điều kiện để đưa người đi nước ngoài lao động theo quy định pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước, tuy nhiên số tiền nêu trên không phải bị cháy mà mất rồi đưa ra thông tin gian dối để đòi bồi thường, hoặc để trốn tránh nghĩa vụ trả lại tiền cho người lao động thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm xác minh làm rõ và trả lời cho những người có đơn thư trình báo, tố cáo.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp số tiền mặt bị cháy thì phải để lại dấu vết hoặc có chứng cứ để chứng minh, khi đó người có lỗi gây hỏa hoạn sẽ phải bồi thường đối với khoản thiệt hại này, vợ chồng anh Thụ chỉ có nghĩa vụ liên đới.