Động thái kiềm chế đầu tiên từ 2 năm trước
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc và các thành viên của liên minh đang xảy ra những tranh cãi xung quanh 1 loạt các vấn đề từ cách ứng phó của chính phủ Bắc Kinh trong việc kiểm soát dịch COVID đến vấn đề Hồng Kông và mạng công nghệ không dây 5G. Các nước này hiểu rằng nếu một quốc gia đơn lẻ sẽ không thể đối phó với Trung Quốc hiệu quả được.
Truyền thông thế giới tất nhiên cũng không bỏ qua những động thái của liên minh này. Động thái đầu tiên của Five Eyes xuất hiện cách đây 2 năm khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei theo yêu cầu từ Mỹ. Vụ bắt giữ đã tạo ra một sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh, coi hành động này là một nỗ lực của các nước láng giềng nhằm kiềm chế sự trỗi dậy trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Chỉ vài tuần sau, Bắc Kinh bắt giữ 2 người Canada về tội vi phạm an ninh nhà nước. Mỹ cũng công bố những hạn chế trong hoạt động trao đổi công nghệ và khoa học với Trung Quốc bằng cách giới hạn số đơn xin cấp thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào đầu năm nay khi dịch COVID bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã khiến cho virus lây lan ra ngoài biên giới. Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Để đáp trả, Bắc Kinh đã áp đặt thuế quan đối với lúa mạch xuất khẩu từ Australia và cảnh báo công dân và sinh viên nước này không nên đến xứ sở chuột túi học tập.
Trong tháng trước, Mỹ và Anh đã lên án việc Bắc Kinh quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho đặc khu hành chính Hồng Kông. Thủ tướng Anh nói rằng liên minh sẽ "chia sẻ gánh nặng", nếu người dân Hồng Kông muốn di cư ra nước ngoài.
Bà Georgina Downer từ công ty tư vấn chiến lược và địa chính trị Tenjin Consulting, cho biết có những dấu hiệu rõ ràng về hành động phối hợp của 5 nước thành viên. "Chúng ta chắc chắn đang thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa các quốc gia trong Five Eyes. Cụ thể là các nước đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Hồng Kông và thông cáo về cuộc đối thoại kinh tế trong liên minh nhằm điều phối hoạt động sản xuất hàng hóa chiến lược", bà Downer nói.
Sự thay đổi chính sách nhanh chóng ở Anh đối với vấn đề mạng 5G và thỏa thuận giữa các quốc gia liên minh nhằm thành lập 1 nhóm các quốc gia dân chủ và có cùng mục tiêu phát triển công nghệ 5G là một ví dụ điển hình khác về chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc đang khiến các quốc gia trong Five Eyes nhanh chóng tập hợp tư duy chiến lược để đánh giá các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng trong liên minh.
Bà Downer nói thêm rằng giờ đây thế giới đã chứng kiến "nỗ lực mang tính cởi mở và thống nhất nhiều hơn trong Five Eyes tập trung vào lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa các quốc gia có chung giá trị và tư duy chiến lược".
Hợp tác để đối trọng với Trung Quốc càng mở rộng
Ông Li Lianjun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, đồng quan điểm rằng các thành viên trong liên minh Five Eyes đang tăng cường hợp tác với nhau, nổi trội là những tuyên bố từ Australia.
Thủ tướng Australia Morrison đang đưa ra những tuyên bố đáp trả khá cứng rắn với Trung Quốc, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương. Dường như giới chức Australia sẵn sàng hy sinh quan hệ thương mại với Trung Quốc vì "những giá trị" của mình, ông Li bình luận.
Ông John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết chính chính sách ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh đang đẩy các nước trong liên minh xích lại gần nhau hơn.
"Nếu chính sách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc có mục đích thị uy buộc nước khác phải nể sợ, thì nó thực sự gây ra tác dụng ngược bởi vì giờ đây cái gọi là sự gắn kết Five Eyes giữa các chính phủ đã vượt ra ngoài lĩnh vực tình báo ban đầu. Điều này được các nguyên thủ trong liên minh thừa nhân khá công khai", ông Blaxland đánh giá.
Và sự hợp tác đã không giới hạn ở 5 thành viên ban đầu. Viện dẫn thỏa thuận Ấn Độ nhập khẩu thêm lúa mạch từ Australia, ông Blaxland cho biết các quốc gia như Pháp và thậm chí Đức, Nhật Bản và Ấn Độ vốn có mối quan hệ hữu hảo với liên minh có thể hợp tác với tổ chức này để đáp trả các động thái cứng rắn của Trung Quốc.
Các nước thành viên Five Eyes cho rằng nếu việc từng nước riêng lẻ đối phó Trung Quốc thì dễ bị Bắc Kinh bắt nạt. Vì vậy, để tránh rơi vào thế yếu, họ sẽ phối hợp với nhau bởi vì những gì Bắc Kinh đang làm là hành vi "lấy thịt đè người", ông Blaxland nói.
Chỉ hai tuần trước, Ấn Độ và Australia đã kí kết tuyên bố chung về hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một phần của hiệp ước mới, Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện, từng bước trở thành 1 liên minh mà trong quá khứ không ai nghĩ điều này sẽ xảy ra.
Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết áp lực từ liên minh Five Eyes sẽ tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển của Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh tế.
"Do đã quen với việc chịu áp lực kiểu này, nên Bắc Kinh có khả năng chịu đựng tốt. Tuy vậy, nhược điểm của việc này là chính phủ sẽ không mạo hiểm điều chỉnh các chính sách đang áp dụng" ông Shi nói.
Lu Xiang, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết mối đe dọa đối với Trung Quốc có thể không lớn đến mức đó. "Các nước trong liên minh đều là các quốc gia có chủ quyền. Mỗi nước đều có chính sách ngoại giao riêng. Tôi không tin rằng cả 4 nước sẽ đồng thuận với mọi quyết định của chính phủ Mỹ. Tất nhiên, các nước này sẽ có một số hoạt động phối hợp với nhau vì là các đồng minh truyền thống, nhưng tôi không nghĩ rằng Five Eyes là một thể thống nhất hoàn toàn", ông Lu nói.