Ảnh minh họa
Thời tiết khô hạn bất thường ở Ấn Độ đang đe dọa nguồn cung nông sản toàn cầu, trong đó phải kể đến đường và bông làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát giá lương thực kéo dài.
Giá đường thô kỳ hạn chuẩn ở New York đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm là 28 cent/lb trong phiên giao dịch ngày 25/10 và giao dịch ở ngưỡng 26 cent khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/10. Sự gia tăng này xảy ra khi kiểu thời tiết El Nino gây ra hạn hán ở Ấn Độ, nơi sản xuất khoảng 20% lượng đường của thế giới.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, tháng 8 năm nay là tháng khô kỷ lục nhất trong lịch sử. Lượng mưa trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, rơi vào mùa gió mùa ở Ấn Độ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Nguồn tin từ một công ty đường cho biết các cánh đồng mía ở Maharashtra và Karnataka, nơi cung cấp hơn một nửa sản lượng đường của Ấn Độ, đã chứng kiến lượng mưa thấp hơn mức trung bình. Nguồn tin dự đoán sản lượng sẽ giảm 3% trong năm 2023-24.
Trong bối cảnh thu hoạch kém và giá tăng, chính phủ Ấn Độ cho biết vào ngày 18 tháng 10 rằng họ sẽ gia hạn vô thời hạn các biện pháp hạn chế xuất khẩu đường, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10. Thái Lan và các nhà sản xuất đường chủ chốt khác ở châu Á cũng đang trải qua thời tiết khô hạn do El Nino, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung. Nguồn tin từ một công ty đường khác cho biết, do tình hình thu hoạch không ổn định ở Bắc bán cầu năm nay, người mua đang cạnh tranh gay gắt để mua đường từ Brazil, nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Việc thiếu mưa ở Ấn Độ cũng đang đẩy giá các sản phẩm nông nghiệp khác tăng cao, trong đó có mặt hàng bông. Giá bông tương lai đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 10 tháng là 90,75 cent/pound trong phiên giao dịch ngày 29/19 và giữ ở mức cao là 83 cent kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10.
Sản lượng ở Cao nguyên Deccan đang bị ảnh hưởng nặng nề do lượng mưa giảm. Vào tháng 9, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cắt giảm 2% dự báo sản lượng bông của Ấn Độ trong năm kết thúc vào tháng 7 năm 2024 và xuất khẩu bông giảm 9%.
Theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, các nhà giao dịch phi thương mại, bao gồm cả các nhà đầu cơ đang nắm giữ 22.680 hợp đồng mua ròng bông tính đến ngày 24 /10 so với 1.678 hợp đồng bán ròng vào cuối tháng 6.
Để đối phó với thời tiết khô hạn bất thường, Ấn Độ trong tháng 7 đã cấm xuất khẩu gạo trắng, ngoại trừ basmati để ưu tiên tiêu dùng trong nước. Động thái của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung, đẩy giá gạo trắng 5% tấm Thái Lan lên mức cao nhất trong 15 năm vào tháng 8.
Giá nông sản tăng cao có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Tại Nhật Bản, giá bánh kẹo trong tháng 9 đã tăng 11,6% trong khi giá quần áo và giày dép tăng 3,4%. Cả hai đều vượt xa mức tăng 3% của chỉ số giá tiêu dùng tổng thể.
Tsutomu Kosuge của Marketedge có trụ sở tại Tokyo cho biết: “Xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong thời gian tới."
Bông là mặt hàng nông sản quan trọng đối với Việt Nam với sản lượng nhập khẩu hàng triệu tấn mỗi năm. Tính đến hết tháng 9, nước ta đã nhập khẩu gần 1 triệu tấn bông với trị giá hơn 2,1 tỷ USD.