Sau gạo và đường, Ấn Độ lại khiến cả thế giới thấp thỏm vì một loại nông sản khác: Xuất khẩu xếp thứ 2 thế giới, Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng triệu tấn

Như Quỳnh |

Thời tiết khô hạn sẽ khiến quốc gia này duy trì lệnh cấm xuất khẩu hoặc buộc phải dùng đến nhập khẩu.

Sau gạo và đường, Ấn Độ lại khiến cả thế giới thấp thỏm vì một loại nông sản khác: Xuất khẩu xếp thứ 2 thế giới, Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng triệu tấn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Reuters dẫn lời các quan chức trong ngành tại Ấn Độ, việc trồng lúa mì tại quốc gia này dự kiến sẽ vẫn trì trệ bất chấp giá tăng lên mức cao kỷ lục, độ ẩm thấp hơn khiến nông dân ở một số khu vực đã chuyển sang trồng các loại cây ít cần nước hơn.

Diện tích gieo trồng hạn chế cùng với mối đe dọa về nhiệt độ cao hơn bình thường trong quý đầu tiên làm giảm năng suất có thể buộc nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới duy trì lệnh cấm xuất khẩu hoặc thậm chí buộc nước này phải dùng đến nhập khẩu.

Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp & Phúc lợi Nông dân tổng hợp, nông dân nước này đã trồng lúa mì trên 8,6 triệu ha tính đến ngày 17 tháng 11, giảm gần 5,5% so với một năm trước đó.

Trong khi nông dân trồng lúa mì ở các bang sản xuất trọng điểm phía bắc là Haryana, Punjab và Uttar Pradesh có hệ thống tưới tiêu đáng tin cậy có khả năng giúp duy trì năng suất, thì nông dân ở bang miền trung Madhya Pradesh, nơi sản xuất lớn thứ hai sau Uttar Pradesh, đang chuyển sang các cây trồng ít ‘khát’ hơn.

Một quan chức cấp cao của một công ty mua lúa mì tư nhân hàng đầu cho biết, diện tích trồng lúa mì ở Madhya Pradesh có thể giảm khoảng 10% so với một năm trước: “Do lượng mưa thấp hơn và lượng nước tưới hạn chế, đã có sự chuyển đổi từ lúa mì sang đậu xanh ở một số khu vực của Madhya Pradesh”, ông nói.

Ở bang Maharashtra lân cận, nông dân Avinash Phalke hồi đầu tháng này đã trồng lúa miến trên 3 mẫu đất thay vì lúa mì.

“Giếng của chúng tôi gần như cạn kiệt khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trồng một loại cây cần ít nước hơn. Tôi chọn lúa miến vì nó cũng cung cấp thức ăn cho gia súc”, một người nông dân tại khu vực chia sẻ.

Độ ẩm của đất đã giảm và các hồ chứa nước cạn khi Ấn Độ hứng chịu lượng mưa gió mùa thấp nhất kể từ năm 2018 trong năm nay, sau khi kiểu thời tiết El Nino khiến tháng 8 trở thành khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ.

Gyanendra Singh, Giám đốc Viện nghiên cứu lúa mì và lúa mạch Ấn Độ do nhà nước điều hành nói với Reuters rằng việc thu hoạch lúa bị trì hoãn ở Punjab, Haryana và Uttar Pradesh đã làm chậm quá trình trồng lúa mì. Ấn Độ chỉ trồng một vụ lúa mì hàng năm, gieo trồng vào tháng 10 và tháng 11 và thu hoạch từ tháng 3.

New Delhi đã nâng giá thu mua lúa mì của Chính phủ lên 2.275 rupee/100 kg vào năm 2024, mặc dù giá hiện tại đã cao hơn gần 25% - một sự khác biệt hiếm thấy trong những năm gần đây.

Nitin Gupta, Phó chủ tịch cấp cao của Olam Agri Ấn Độ cho biết: “Độ ẩm của đất là mối lo ngại ở một số bang, nhưng quyết định tăng Giá hỗ trợ tối thiểu thêm 7% của Chính phủ sẽ duy trì sự quan tâm của nông dân đối với lúa mì”.

Sau gạo và đường, Ấn Độ lại khiến cả thế giới thấp thỏm vì một loại nông sản khác: Xuất khẩu xếp thứ 2 thế giới, Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng triệu tấn - Ảnh 2.

El Nino sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn

Ashwini Bansod, Phó Chủ tịch nghiên cứu hàng hóa tại Phillip Capital India cho biết đối với các cây trồng gieo trồng vào mùa đông như lúa mì và hạt cải dầu, nhiệt độ cao hơn bình thường trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 3, thường thấy trong những năm El Nino, có thể ảnh hưởng đến năng suất.

Hồi đầu tháng này, một cơ quan dự báo thời tiết của chính phủ Mỹ cho biết tình trạng El Nino sẽ tiếp tục kéo dài khắp Bắc bán cầu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Sản lượng lúa mì ở Ấn Độ đã bị giảm trong năm 2022 và 2023 do nhiệt độ cao hơn bình thường trong giai đoạn phát triển ngũ cốc quan trọng, buộc New Delhi phải cấm xuất khẩu.

Trong khi hai năm vừa qua là những năm La Nina, nhiệt độ mùa đông vẫn cao hơn bình thường làm ảnh hưởng đến năng suất.

Tại Ấn Độ, một quốc gia tự cung tự cấp về sản xuất ngũ cốc, dự trữ lúa mì đứng ở mức 21,9 triệu tấn tính đến ngày 1/11, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 34,8 triệu tấn.

Một đại lý giấu tên của một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại New Delhi cho biết: “Ấn Độ có thể không đủ khả năng chi trả cho sản lượng dưới mức bình thường vào năm 2024 do dự trữ đang cạn kiệt. Vụ mùa thấp hơn sẽ buộc nước này phải nhập khẩu lúa mì”.

Còn tại Việt Nam, lúa mì là một mặt hàng quan trọng khi từ đầu năm đến nay, nước ta đã chi gần 1,3 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này với hơn 3 triệu tấn.

Theo Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại