Sau cuộc điện đàm của Trump: Ukraine hứng bão ngoại giao, Nga đắc lợi

Hồng Anh |

Việc công bố bản ghi âm tóm tắt cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky được coi là “thảm họa ngoại giao” với Ukraine.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Nhà Trắng công bố bản ghi âm tóm tắt cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 25/9 vừa qua đã làm dấy lên một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Còn đối với ông Zelensky, đây là một “thảm họa ngoại giao sâu rộng”.

Zelensky “tiến thoái lưỡng nan”

Những bình luận ông Zelensky nói với Tổng thống Trump, được tiết lộ trong bản ghi âm, nhiều khả năng sẽ khiến đảng Dân chủ “khó chịu”, gây ảnh hưởng tới sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ với những yêu cầu mà Kiev đưa ra, trong khi đó “chọc giận” Pháp và Đức – hai quốc gia mà ông Zelensky đã chỉ trích trong cuộc trao đổi.

Bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị với nước láng giềng Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và cuộc giao tranh khốc liệt tại miền đông kéo dài từ năm 2014 đến nay vẫn chưa chấm dứt, Ukraine cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để vượt qua giai đoạn đầy thách thức này.

Cụ thể, Ukraine phụ thuộc khá nhiều vào Washington để được giúp đỡ về mặt ngoại giao và nhận viện trợ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán nhằm mục đích làm sống lại tiến trình hòa bình ở miền đông Ukraine.

“Thật không may mắn, hậu quả chính của vụ việc này là Ukraine có thể bị cho là “đối tượng độc hại”, dù không giống như tình huống xảy ra đối với Nga trong cuộc điều tra của công tố viên Mueller, nhưng rõ ràng sẽ bị coi như vậy”, Alyona Getmanchuk, Giám đốc Trung tâm Châu Âu mới tại Ukraine viện dẫn cuộc điều tra kéo dài hai năm của Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016.

Vụ bê bối chính trị xảy ra vào thời điểm đầy khó khăn với Tổng thống Zelensky. Ông mới lên nắm quyền chưa được bao lâu và mong muốn khôi phục lại thỏa thuận hòa bình đang bị đình trệ liên quan đến xung đột miền đông Ukraine, vì thế ông cần sự ủng hộ về mặt ngoại giao của Mỹ và châu Âu.

Bộ Ngoại giao Pháp đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Nhưng một số quan chức khác giấu tên cho biết, Tổng thống Macron đã cố tránh gặp ông Zelensky trước khi ông này thắng cử - một điều mà không thường xảy ra trong nghi thức ngoại giao. Các quan chức Đức cũng chưa đưa ra bình luận về vụ việc.

Theo bản ghi tóm tắt cuộc điện đàm, Tổng thống Zelensky đã cam kết mở lại cuộc điều tra một công ty từng do con trai cựu Phó tổng thống Joe Biden quản lý và bày tỏ sự thất vọng về cái mà ông gọi là thiếu sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi nói đến việc thực thi biện pháp trừng phạt Nga. Ông Zelensky cũng nhất trí với Tổng thống Trump rằng cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch là một “đại sứ tồi”.

Những người theo dõi sát sao tân Tổng thống Ukraine nhận xét, ông Zelensky đang rơi vào tình huống khó khăn, đặc biệt khi Ukraine là quốc gia dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và chính trị. Hiện nước này đang đàm phán để được nhận thêm viện trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và đối phó với một nước Nga hùng mạnh ở phía đông, một cuộc xung đột nghiêm trọng tại khu vực Donbass.

Các nhà đầu tư quốc tế từng hy vọng ông Zelensky sẽ thực hiện tốt các cam kết đổi mới Ukraine về nhiều mặt. Tuy nhiên, vụ bê bối chính trị nói trên đã làm gia tăng hoài nghi đối với nhà lãnh đạo này.

Tổng thống Zelensky đã từ chối lời đề nghị Ukraine công bố chi tiết cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Trump hôm 25/7. Phát biểu với báo chí hôm 25/9, nhà lãnh đạo Ukraine nói, chi tiết cuộc điện đàm “giữa người đứng đầu các quốc gia độc lập” đôi khi không nên được công bố. Ông cũng nêu rõ: “Không ai có thể gây sức ép đối với tôi bởi vì tôi là Tổng thống của một quốc gia độc lập”.

Ông Zelensky khẳng định ông không biết chi tiết cuộc điều tra về con trai của cựu Phó Tổng thống Biden, cho biết đây là một trong số nhiều trường hợp ông sẽ đưa ra thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới nếu được yêu cầu. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, ông muốn công tố viên mới bổ nhiệm sẽ điều tra tất cả các vụ án mà không bị can thiệp.

Timothy Ash, chiến lược gia nghiên cứu thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management nhận xét rằng: “Ông Zelensky nhận thấy bản thân ông ấy đang ở vị trí không thể bị mắc kẹt giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, hoặc mắc kẹt giữa những người có khả năng chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tốt nhất là duy trì sự im lặng và tôi nghĩ Ukraine đang cố gắng làm điều đó”.

Bên cạnh đó, ông Zelensky còn cố gắng xoa dịu hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, nói rằng ông rất biết ơn sự giúp đỡ của họ. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Trump bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Zelensky nói: “Tôi không muốn nói xấu bất cứ ai. Chúng tôi cảm ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi”.

Nga đắc lợi?

Giới quan sát tại Ukraine cho rằng, thiệt hại về ngoại giao đang dần hiện hữu với Ukraine. “Tất nhiên nền tảng của mối quan hệ giữa Ukraine với các nhà lãnh đạo Châu Âu, đặc biệt là Thủ tướng Merkel sẽ trở nên tồi tệ hơn. Không có lời chỉ trích trực tiếp trong cuộc trò chuyện nhưng bối cảnh và âm điệu của Zelensky cho thấy dường như ông đang phàn nàn với ông Trump về Thủ tướng Merkel”, chuyên gia Volodymyr Fesenko của Viện nghiên cứu Penta có trụ sở tại Ukraine cho biết.

Một số ý kiến khác nhận định, vụ bê bối chính trị nói trên có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Ukraine và khiến Nga “đắc lợi” trước khả năng Mỹ đình chỉ cấp viện trợ quân sự cùng nhiều loại viện trợ khác cho Ukraine trong tương lai.

“Đối với Ukraine, có một mối nguy lớn đó là nước này có thể bị cô lập trước đối thủ Nga vì Mỹ là đối tác chiến lược của Ukraine trong lĩnh vực quân sự và thúc đẩy cải cách. Nga chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này”, bà Maria Ionova - nhà lập pháp dưới thời cựu Tổng thống Petro Poroshenko nhận định.

Điện Kremlin từng tuyên bố rằng đây là vấn đề của Mỹ và Ukraine, còn họ chỉ quan sát một cách đơn thuần. “Sự thật là ông Trump yêu cầu ông Zelensky lật lại lại bê bối của Biden, và Zelensky có vẻ đồng ý. Sau mọi thứ Biden đã làm cho câu chuyện cải cách ở Ukraine thì giờ đây Zelensky đâm sau lưng ông ấy, cùng với cả cựu đại sứ Mỹ và bà Merkel. Người chiến thắng là Putin”, Timothy Ash, nhà chiến lược cấp cao các thị trường mới nổi ở hãng Bluebay Asset Management nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại