Sau cuộc cãi vã nảy lửa với con trai, tôi bán đi căn nhà trong khu trường học trị giá hơn 16 tỷ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn kể từ sau đó

Diệu Đan |

Chúng ta nỗ lực để con được học những ngôi trường danh tiếng, luôn miệng nói với con “cố gắng học cho chăm chỉ, mẹ trông cậy cả vào con đấy”, chúng ta thà hy sinh bản thân cũng phải để con được sống trong môi trường tốt nhất. Nhưng điều chúng ta thu lại được lại thường là sự chống đối của trẻ.

Bài viết được đăng tải trên MXH Toutiao (Trung Quốc) đã thu hút sự quan tâm lớn của CĐM đặc biệt là những bậc làm cha, làm mẹ.

***

Khi con trai còn học mẫu giáo, tôi đã bắt đầu dày công vạch ra con đường thành tài của con. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ tới việc làm thế nào cho con một môi trường học tập tốt nhất, tôi thậm chí còn vay mượn rất nhiều tiền của người thân ở quê và lấy tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mua một ngôi nhà gần trường học tư tại một quận tại trung tâm thành phố đắt đỏ 

Dù được xây từ những năm 1980, diện tích chỉ khoảng 60m2, toàn bộ dây điện, ống nước lộ thiên nhưng lại gần một trong những ngôi trường tiểu học tốt nhất thành phố.

Người ta bảo bước chân được vào ngôi trường tiểu học này là con sẽ có một suất vào ngôi trường cấp 2 trọng điểm.

Sau khi cho con đi học tại một trường tiểu học danh tiếng, tôi thường nói với con: "Con phải học tập chăm chỉ nghe chưa, tất cả những gì bố mẹ làm đều là vì tương lai của con. Chỉ cần con có một tương lai xán lạn, mọi công sức của bố mẹ đều sẽ xứng đáng."

Tôi cứ ngỡ với những lời nói chân thành như vậy, con trai tôi lớn lên sẽ trở thành học sinh giỏi như tôi mong đợi. Tuy nhiên, thực tế đã cho tôi một cái tát đau điếng. Con trai tôi, một đứa trẻ từng rất thích cười đùa và chia sẻ mọi chuyện với tôi, dần dần trở nên im lặng hơn, con thậm chí còn từng nói với tôi rằng "Con thấy không khỏe, con không muốn đi học".

Lúc đầu tôi nghĩ con không biết điều, thậm chí còn mắng mỏ, trách con không hiểu ý tốt của bố mẹ. Nhưng tình hình không khá hơn, mà ngược lại trở nên tồi tệ hơn.

Sau cuộc cãi vã nảy lửa với con trai, tôi bán đi căn nhà trong khu trường học trị giá hơn 16 tỷ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn kể từ sau đó- Ảnh 1.

Cô giáo chủ nhiệm nhiều lần trao đổi với tôi rằng con trai không chú ý trong giờ học, khi được hỏi, con luôn trả lời rằng không biết, thằng bé cũng không chơi với các bạn khác sau giờ học, chỉ nằm bò ra bàn buồn bã.

Ngay cả giáo viên của các lớp năng khiếu hội họa, diễn thuyết, Taekwondo mà tôi cho con theo học cũng khuyên tôi nên chú ý đến con trai mình hơn, tôi cảm thấy thể trạng của con không còn tốt như trước, con thường mất tập trung trong giờ học và kêu đau bụng.

Sau cùng, vào một buổi tối, tôi không nhịn được nữa hỏi con còn muốn giả vờ đến bao giờ, rằng tôi không tốn nhiều tiền chỉ để con lãng phí như vậy.

Con trai bỗng mất bình tĩnh, lớn tiếng hét lên: "Mẹ biết không, con ghét mẹ vì đã mua căn hộ này, ép con phải học ở cái trường này, ép con phải học quá nhiều lớp vào cuối tuần. Mẹ luôn bảo tất cả là vì muốn tốt cho con, rằng con cần phải biết trân trọng và biết ơn. Thế mẹ đã bao giờ hỏi xem con có muốn sống và học tập ở đây hay không? Nói cho mẹ biết, con không muốn chút nào, nếu cứ tiếp tục như vậy, con sớm muộn gì cũng phát điên lên thôi."

Khoảnh khắc đó tôi đã khóc rất nhiều, không ngờ "ý tốt" của mình lại mang đến một áp lực tâm lý lớn như vậy cho con trai.

Suốt thời gian qua, tôi chỉ nhìn vào việc con được học ở một ngôi trường danh tiếng ra sao mà bỏ qua việc con có vui hay không.

Chồng tôi, người vốn luôn im lặng, cuối cùng cũng nói: "Thật ra anh cũng nghĩ mình đang thúc ép con trai mình quá nhiều. Vào học ở một ngôi trường danh tiếng thì đã sao? Nếu sớm đã phải chịu sự kỳ vọng cao như vậy của cha mẹ, con liệu có vui vẻ được không? Anh nghĩ chúng ta nên hạ thấp kỳ vọng của mình xuống, vừa là giảm bớt áp lực cho hai vợ chồng, vừa là giúp con vui vẻ hơn…"

Đó là một quyết định khó khăn, suy nghĩ hơn một tháng trời, cuối cùng, tôi quyết định bán nhà và chuyển trường cho con.

Sau khi chuyển sang ngôi trường khác, con trai cười nói vui vẻ nhiều hơn, chồng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, cả nhà vui vẻ trở lại.

Có lẽ trong thực tế cũng có không ít ông bố bà mẹ cũng giống như tôi của trước đó.

Chúng ta nỗ lực để con được học những ngôi trường danh tiếng, luôn miệng nói với con "cố gắng học cho chăm chỉ, mẹ trông cậy cả vào con đấy", chúng ta thà hy sinh bản thân cũng phải để con được sống trong môi trường tốt nhất. Nhưng điều chúng ta thu lại được lại thường là sự chống đối của trẻ.

Sau cuộc cãi vã nảy lửa với con trai, tôi bán đi căn nhà trong khu trường học trị giá hơn 16 tỷ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn kể từ sau đó- Ảnh 2.

Tuyết, một cô bé 16 tuổi từ nhỏ đã là báu vật của cha mẹ. Vì sinh Tuyết khá muộn nên cha mẹ luôn muốn cho Tuyết một cuộc sống với chất lượng tốt nhất.

Vì ba mẹ lớn lên trong hoàn cảnh không khá giả nhưng vẫn có thể tốt nghiệp đại học nên họ mặc nhiên nghĩ rằng con cái được ba mẹ cho ăn sung mặc sướng, vậy thì thành tích học tập phải vượt qua ba mẹ.

Vì đầu tư rất nhiều cho con nên ba mẹ luôn yêu cầu Tuyết phải "đứng hạng nhất trong các kỳ thi".

Có lần, chỉ đạt được 9 điểm trong bài kiểm tra toán số, Tuyết bị mẹ dùng những lời lẽ không hay ho quát mắng. Ngày qua ngày, bạo lực bằng lời nói khiến Tuyết ngày càng trở nên khép kín và thi trượt kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông.

Dù Tuyết chỉ muốn vào một ngôi trường trung học công lập bình thường dựa trên điểm số thực tế của mình, bố mẹ vẫn chi rất nhiều tiền cho cô bé học lớp chọn của một ngôi trường tư có tiếng của thành phố.

Sống giữa các bạn học sinh top đầu, Tuyết cảm thấy ngột ngạt, nhất là khi nhìn thấy những người khác lật sách và đưa ra đề thi cho nhau, Tuyết cảm thấy mình không thể hòa nhập vào không khí của lớp. Bài kiểm tra đầu tiên ở trường của Tuyết được điểm số xếp cuối lớp, và cô bé ngay lập tức trở thành mục tiêu nghi ngờ và chế giễu của mọi người.

Mẹ Tuyết vẫn không chịu bỏ cuộc, nhất quyết cho con gái vào một lớp luyện thi với một giáo viên nổi tiếng với học phí đắt đỏ. 

Kết quả là, điểm số của Tuyết không những không được cải thiện, cô bé thậm chí còn phải nghỉ học.

Đã hơn hai tháng kể từ ngày khai giảng, Tuyết nhốt mình ở trong phòng không ra ngoài, thường xuyên dọa nói: "Nếu ba mẹ bắt con đi học lại, con sẽ nhảy từ tầng 28 xuống".

Đây có lẽ không phải là một trường hợp cá biệt.

Một nhà tâm lý học từng chia sẻ về thực tế đáng buồn của xã hội hiện tại trong bài phát biểu của mình: "Các bậc phụ huynh cứ cố gắng hết sức cho con theo học những trường luyện thi đắt đỏ, nhưng con trẻ lại bực bội, từ chối, thậm chí có hành vi chống đối lại cha mẹ.

Quá nhiều bậc cha mẹ coi việc gửi con đến những ngôi trường danh tiếng là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời, họ cũng đặt kỳ vọng rất cao vào sự thành công của con mình.

Họ luôn cảm thấy rằng học vấn và điểm số của các con phải cao hơn cha mẹ và chúng cũng phải kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ trong tương lai, mà không thể thấy rằng sự sắp xếp này thực chất là một loại kiểm soát."

Các bậc phụ huynh luôn miệng nói "ba mẹ là vì muốn tốt cho con", nhưng có thực sự là "vì muốn tốt cho con"?

Nhà tâm lý học nổi tiếng Erich Fromm cho rằng nỗi sợ hãi đối với cuộc sống của cha mẹ có tính lây lan và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của con cái.

Nếu cha mẹ chỉ sống vì con cái, dành hết tâm huyết cho con cái và thường xuyên trăn trở, lo lắng, họ sẽ rất dễ truyền những cảm xúc tiêu cực này lên con cái của mình.

Những đứa trẻ lẽ ra được tự do khám phá cuộc sống lại bị cha mẹ kiểm soát từ sớm và buộc phải bước đi trên cây cầu độc mộc.

Nhà tâm lý học người Mỹ, Alison Gopnik nói: "Là cha mẹ, phần thưởng quan trọng nhất không phải là điểm số và danh hiệu của con, hay thậm chí là lễ tốt nghiệp và đám cưới của chúng. Đó là niềm vui về thể chất và tinh thần mà bạn cảm thấy khi sống cùng con cái và những khoảnh khắc hạnh phúc mà con dành cho bạn.

Bản chất của cha mẹ là yêu thương, bạn chỉ cần hiểu con mình phù hợp với điều gì, cần gì chứ không phải cho đi theo ý muốn của mình."

Một ngôi trường danh tiếng và điểm số cao đôi khi không phải là món quà tốt nhất đối với một số trẻ. Chỉ khi bạn giống như một người làm vườn, cho con một môi trường phát triển phù hợp và để con phát triển theo thời kỳ nở hoa của riêng mình, đó mới là sự bảo vệ đích thực mà bạn dành cho con.

Sau cuộc cãi vã nảy lửa với con trai, tôi bán đi căn nhà trong khu trường học trị giá hơn 16 tỷ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn kể từ sau đó- Ảnh 3.

Nhìn lại trải nghiệm thất bại "mua nhà, học trường danh tiếng" này, tôi xin chia sẻ với các bậc phụ huynh ba điều:

1. Buông bỏ những kỳ vọng cao ở con cái

Là cha mẹ, bạn rất dễ nhầm lẫn những kỳ vọng của mình với kỳ vọng của con cái. Bạn bắt chúng nhận lấy những điều mà bạn cho là tốt với con dưới danh nghĩa "tất cả là vì muốn tốt cho con".

Vậy cho nên, khi một đứa trẻ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực như bất mãn và buồn bã, hãy dừng lại và nhìn nhận một cách rõ ràng, đâu là nguyện vọng của bạn, và đâu là điều thực sự phù hợp với trẻ.

Khi nhận ra việc vào học ở một ngôi trường danh tiếng chỉ là nguyện vọng của bản thân, tôi quyết định bán nhà và chuyển đi, chẳng bao lâu sau, con trai tôi đã trở lại trạng thái vui vẻ, chăm chỉ học tập và hoàn thành bài tập về nhà mà không cần quá nhiều sự giám sát của tôi.

Điều này khiến tôi hiểu rằng khi mọi thứ dần trở nên cực đoan, hãy quay đầu, bởi lẽ sự trưởng thành của trẻ không thể chỉ dựa vào bản kế hoạch chi tiết do cha mẹ thiết kế.

Chỉ bằng cách buông bỏ những kỳ vọng quá mức, vứt bỏ những kỳ vọng không thực tế, sức sống, năng lượng và động lực của trẻ tự nhiên sẽ được bộc lộ ra.

2. Tôn trọng và hiểu trẻ

Trước đây, tôi không hề lắng nghe ý kiến của con, tôi luôn cho rằng mình đã cho đi rất nhiều nhưng con trai lại không hề cảm nhận được.

Nhà tâm lý học Edward Thorndike đã nói:

"Chỉ khi nhìn vấn đề từ góc độ của con cái, cha mẹ mới có thể hiểu được nhu cầu tâm lý của con, từ đó tránh đưa ra những kết luận tùy tiện, giảm bớt xung đột với con và có được sự tin tưởng từ con."

Vì vậy, tôi dần dần học cách khám phá nhu cầu tâm lý của con trai mình ở độ tuổi này và đặt cảm xúc cũng như suy nghĩ của con lên hàng đầu.

Với sự tôn trọng và thấu hiểu, tôi ngày càng hiểu tâm trạng của con hơn, con cũng cởi mở và trò chuyện với tôi hơn.

Chìa khóa để đến gần con cái hơn chính là xây dựng cầu nối giao tiếp theo cách con muốn.

Sau cuộc cãi vã nảy lửa với con trai, tôi bán đi căn nhà trong khu trường học trị giá hơn 16 tỷ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn kể từ sau đó- Ảnh 4.

3. Tạo không gian cho con làm những điều chúng thích

Trẻ em không phải là những cỗ máy học tập, chúng cần được thư giãn, giải trí kịp thời và làm những điều mình thích.

Biết con trai thích Lego, tôi đã dành thời gian nghiên cứu và thỉnh thoảng mua một số mô hình khó về lắp ráp cùng con.

Mỗi lần chơi, con đều rất tập trung, khi lắp thành công, con không giấu được vẻ tự hào và phấn khích.

Điều bất ngờ là sau khi làm những điều thú vị này, con vẫn tự mình ôn lại bài và tìm kiếm những thông tin liên quan trên Internet, động lực học tập của con cũng dần tăng lên.

Thật vậy, chỉ khi để con có một sở thích, con mới có thể tìm thấy sự hài lòng, hạnh phúc từ chính mình và có đủ năng lượng để sống tích cực.

Tôi đặc biệt thích một câu trong cuốn sách có tên "The gardener and the carpenter" (tạm dịch: "Người làm vườn và thợ mộc") rằng:

"Yêu thương con trẻ không phải là cho chúng một đích đến, mà là cung cấp cho chúng nguồn dinh dưỡng cần thiết cho hành trình của mình".

Chúng ta không thể đoán trước được tương lai của con mình, chưa nói đến việc kiểm soát cuộc đời của chúng.

Một ngày nào đó, con cái sẽ rời xa cha mẹ và một mình bước đi trên thế giới này.

Thay vì ép trẻ trở thành "con nhà người ta", hãy tạo ra một môi trường phù hợp cho sự trưởng thành của trẻ, rồi ở đó, chờ hoa nở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại