Dữ liệu về thị trường lao động Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng lập trường "lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn" của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể dẫn đến suy thoái. Ngân hàng trung ương có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu hạ lãi suất.
Nasdaq Composite giảm 2,6% sau khi báo cáo việc làm được công bố. Điều đó đã đẩy chỉ số nặng về công nghệ này vào vùng điều chỉnh, tức giảm hơn 10% so với mức đỉnh lập vào ngày 10/7.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,5%, tương đương hơn 600 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,8%.
Tuy vậy, mức biến động cuối phiên đã “nhẹ nhàng” hơn so với những giờ đầu khi thị trường vừa mở cửa. Dow Jones có lúc giảm gần 950 điểm trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng giảm sâu với mức 2-3%. Nhà đầu tư có vẻ đã bình tĩnh hơn khi hấp thụ thông tin dữ liệu việc làm của Mỹ.
Cả tuần, ba chỉ số chính đều lao dốc. S&P và Dow Jones giảm 2%, trong khi Nasdaq giảm 3%. Russell 2000 thậm chí còn tệ hơn với mức giảm khoảng 6,8%.
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ ngày 2/8 cho biết, nền kinh tế nước này đã tạo thêm ít việc làm hơn dự kiến trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 4,3%. Những tín hiệu bổ sung cho thấy thị trường lao động chậm lại có làm gia tăng nỗi lo suy thoái và kỳ vọng cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch hiện đang dự đoán ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay: vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12. Họ cho rằng Fed sẽ giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 4% sau báo cáo, giao dịch quanh mức 3,79%.
Tin tức về các cổ phiếu đơn lẻ cũng không khởi sắc hơn. Báo cáo tài chính yếu kém của nhà sản xuất chip Intel đã gây thêm áp lực lên cổ phiếu. Nhiều câu hỏi được đặt ra về lợi nhuận từ khoản đầu tư AI của Big Tech. Nhà sản xuất chip cho biết họ sẽ cắt giảm việc làm và tạm dừng trả cổ tức. Cổ phiếu Intel sụt hơn 26%, kéo theo các cổ phiếu chip khác giảm.
Thị trường chứng khoán Mỹ bước sang tháng 8 với một đợt bán tháo. Hàng loạt dữ liệu cho thấy những vết nứt đang xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ, xóa sạch mức tăng do kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Điều này khiến Phố Wall tự hỏi liệu Fed có đang giữ lãi suất cao kỷ lục trong thời gian quá dài, gây nguy cơ suy thoái kinh tế hay không.