Giao dịch nhà đất lao dốc
Thực mục sở thị tại phòng công chứng nhà đất huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), chúng tôi ghi nhận hoạt động công chứng và hồ sơ nhà đất giảm đáng kể so với thời điểm 2-3 tháng trước.
Tiếp xúc với nhân viên phòng công chứng nhà đất tại đây, được biết, lượng hồ sơ giảm khoảng 30-50% so với thời điểm đất nóng sốt, người đi công chứng cũng giảm rõ nét so với trước. Nhân viên này cho biết, khoảng tháng 3&4/2018, khách đến công chứng hồ sơ nườm nượp, chật kín văn phòng, thậm chí không có chỗ chen chân thì hiện tại lượng hồ sơ đã giảm nhiều.
Một nhân viên ngân hàng đang làm hồ sơ cho khách vay mua tại đây cũng cho hay, so với khoảng 3 tháng trước thì khách làm hồ sơ vay mua giảm mạnh nhưng so với 1 tháng trước thì thời điểm hiện tại số hồ sơ khách hàng vay ngân hàng mua đất có nhỉnh hơn một chút.
Ngồi kế nhân viên này, anh Khanh, vừa là nhà đầu tư (NĐT), vừa là "cò" đất nền Củ Chi cho biết, thời điểm đất sốt, không chỉ các NĐT mà cả diễn viên, ca nghệ sĩ… đều kéo nhau xuống đây mua đất đầu tư lướt sóng, hiện tại tình trạng này không còn. Giao dịch hiện nay diễn ra cầm chừng ở nhu cầu thực.
Theo anh Khanh, từ thời điểm Quyết định 60 ban hành, đất nền khu vực lắng xuống hẳn. Khoảng tháng 5/2018, giao dịch đang trên đà nóng sốt bỗng quay đầu hạ nhiệt, nhiều NĐT ra hàng để thu dòng tiền. Tuy nhiên, hiện tại, lượng hàng của NĐT vẫn còn khá lớn chưa ra được.
Tìm hiểu tại văn phòng công chứng Tân Quy (tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi) được biết, số lượng hồ sơ nhà đất đã giảm khoảng 20% so với 2 tháng trước. Một nhân viên tại đây cho hay, thời điểm đất sốt, nhân viên thường làm việc quá giờ hành chính vì lượng hồ sơ liên tục nhưng hiện tại thì ngày vắng, ngày đôn, khách vào không đồng đều.
Giá đất đã leo thang 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái
Theo ghi nhận, thời điểm này giá đất nền Củ Chi, Hóc Môn đã chững lại, biến động tăng nhẹ, một vài khu vực giảm giá do sức mua giảm hẳn so với trước.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá đất các khu vực này đã tăng 20-30%, thậm chí một số nơi tăng trên 40%/năm. Sự tăng trưởng nóng này diễn ra thời điểm sau Tết nguyên đán đến tháng 4/2018. Điều này đã khiến cơ quan chức năng lo ngại tình trạng bong bóng BĐS có thể xảy ra với khu ven Tp.HCM. Đến khoảng tháng 5/201, tình trạng nóng sốt cục bộ tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn được kiểm soát. Đa số NĐT tìm cách thoát hàng tại khu vực.
Giao dịch nhà đất tại các phòng công chứng ở Củ Chi giảm nhiệt, không còn cảnh xếp hàng, chen chúc.
Đất nền tại xã Trung An ghi nhận tăng từ 8 triệu đồng/m2 lên 11-12 triệu đồng/m2 trong vòng 1 năm; tại xã Phú Hòa Đông đất thổ cư cũng tăng giá từ 6 triệu đồng/m2 (tháng 2/2017) lên 9-10 triệu đồng/m2 (hiện tại), riêng đất trồng cây lâu năm tăng giá khoảng 10% trong vòng 1 năm.
Riêng đất tại thị trấn Củ Chi giá tăng khoảng 30-40%/năm, thậm chí theo ghi nhận một số nền tăng giá gấp đôi. Mức giá thời điểm đầu năm 2017 là 12-13 triệu đồng/m2 hiện đã dao động ở mức 19-24 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). Sau cơn sốt đất vừa qua, mức giá này chững lại hoặc giảm nhẹ xuống còn khoảng 17-21 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu, mặc dù thị trường chững lại, có hiện tượng NĐT rao bán cắt lỗ nhưng thực chất giá NĐT bán ra đã chênh khoảng vài giá trên m2 so với thời điểm mua vào. Điều này cho thấy, dù mức chênh không bằng thời điểm sốt đất nhưng NĐT vẫn khá lời khi bỏ tiền vào đất nền khu vực Củ Chi, Hóc Môn.
Theo một NĐT sống tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi), hiện tại đất Củ Chi không có hiện tượng NĐT ồ ạt xả hàng, tuy nhiên cũng có NĐT chấp nhận bán lỗ 200-300 triệu đồng so với giá mua vào.
NĐT này cho hay, trường hợp này rơi vào các NĐT lướt sóng là chủ yếu, vào thị trường trong cơn sốt, chờ giá lên chốt lời cao nhưng khi thị trường đứng đột ngột khó ra hàng nên chấp nhận bán lỗ. Tuy nhiên, những trường hợp này không phổ biến.
"Ở giai đoạn này, thị trường đất nền Củ Chi, Hóc Môn chủ yếu bán cho người mua ở thực và NĐT "dài hơi", dòng vốn khá, có thời gian chờ đợi thời điểm chốt lời từ 1-2 năm. Riêng hoạt động đầu tư lướt sóng không còn", NĐT này khẳng định.