Sau "bước lùi" của bầu Tú, nước mắt có thôi rơi?

Đoàn Dự |

Bầu Tú đã chính thức lùi 1 bước, để tránh cuộc chiến với bầu Đức tiếp tục căng thẳng. Một bước lùi tưởng thấy trời cao, biển rộng nhưng thực ra công việc trước mắt vẫn chồng chất.

Có một điều lạ thế này: Bóng đá Việt Nam năm 2018 khởi đầu theo cách không thể tốt hơn, tốt nhất trong lịch sử, khi chúng ta đoạt ngôi Á quân U23 châu Á.

Hàng chục triệu con tim vui mừng theo hành trình của thầy trò HLV Park Hang-seo và đặt kỳ vọng lớn về các giải đấu sắp tới, trải dài suốt năm 2018. Xa hơn, chúng ta đều tin rằng từ đây, bóng đá nước nhà sẽ phát triển nhanh chóng.

Ấy thế mà bên cạnh niềm vui, lại thấy không ít bức xúc cũng như những giọt nước mắt. Mà đấy lại là nước mắt đàn ông, những người ít khi khóc.

1. Giọt nước mắt gần nhất chúng ta thấy là của thủ môn Bùi Tiến Dũng, khi ngôi sao này chia sẻ về việc bị nhiều CĐV chỉ trích tới cả gia đình, bố mẹ - những người Tiến Dũng yêu thương nhất.

Trước đó, Xuân Trường không khóc, nhưng rất có thể bạn gái ngôi sao HAGL đã khóc, vì bị nhiều người xúc phạm tới gia đình và cả trường học, chỉ bởi trót dại đăng tâm sự chưa phù hợp, liên quan tới các món quà CĐV tặng bạn trai mình.

Bùi Tiến Dũng trải lòng cùng Onsports

Bao năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn luôn trăn trở về việc thu hút người hâm mộ đến các SVĐ, để những khán đài V.League bớt trống vắng. Đấy là nhiệm vụ rất khó của những người làm bóng đá nước nhà.

Tuy nhiên, người ta vẫn nói, một nền bóng đá phát triển đi đôi với những người hâm mộ hiện đại, biết cách thể hiện tình yêu, trung thành và tôn trọng thần tượng.

Thế nên, công việc của những người làm lãnh đạo bóng đá Việt Nam không chỉ dừng lại ở thu hút CĐV, mà còn cả dẫn lối cho họ đến với cách cổ vũ, cách yêu phù hợp nhất. Hãy nhớ, bóng đá Thái Lan không chỉ hơn Việt Nam trên sân cỏ, mà ở cả các khán đài.

2. Cuộc chiến giữa bầu Tú với bầu Đức có lẽ đã kết thúc. Khi bầu Tú quyết định không ra ứng cử chức vụ Phó chủ tịch tài chính VFF, bầu Đức nói:

"Tôi sẽ cùng anh Tú và một số ông bầu khác có cùng đam mê giúp cho bóng đá nước nhà phát triển".

Viễn cảnh bầu Đức đưa ra thật sự rất đáng để kỳ vọng. Nhưng có lẽ, người ta sẽ khó lòng quên được cách đi tới "sự thống nhất chung" ấy. Khi mà bầu Đức cùng "phía của mình" liên tục có những sự công kích nhắm vào bầu Tú.

Đến mức, trong một cuộc họp với truyền thông cách đây ít tuần, ông Tú đã phải bật khóc mà nói:

"Chúng ta đừng cản trở công việc của nhau trong bóng đá. Nếu như vậy liệu còn ai như tôi dám đến bóng đá như này không. Bản thân tôi đã phải trả giá".

Sau bước lùi của bầu Tú, nước mắt có thôi rơi? - Ảnh 2.

Chẳng ai biết nếu mọi việc khác đi, nếu bầu Đức tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng hơn, kết quả sẽ thế nào. Và cũng chẳng ai biết chính xác khi kết quả "thế này" đã là tốt nhất cho bóng đá Việt Nam hay chưa.

Chỉ biết rằng những ngày qua, không chỉ bầu Tú khóc, rất nhiều người yêu mến bóng đá Việt Nam cũng muốn khóc, vì cuộc chiến rối ren trước thềm Đại hội VFF nhiệm kì VIII.

Từ những viễn cảnh trong sáng mà ngôi vị Á quân U23 châu Á mang đến, rất nhiều người đã lại phải nhìn bóng đá nước nhà như một màu u tối, vì cuộc chiến giữa các ông bầu cũng như quan chức VPF, VFF.

Sau từng ấy mâu thuẫn, rồi đây liệu bầu Đức, bầu Tú có thể thật sự ngồi lại với nhau, thật sự vui vẻ chung tay cống hiến cho bóng đá nước nhà?

Liệu sẽ có hay không những người lại đem điều gì đó khác ra đánh đổi, dọa nạt mỗi khi muốn phản biện về bóng đá, như cách bầu Đức dọa sẽ cho HAGL bỏ ngang V.League 2018?

Sự cương quyết của bầu Đức và thế “ngàn cân treo sợi tóc” của HAGL

Gần đây, đã có những sự so sánh giữa giới thượng tầng bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan. Thay vì càng đấu càng rối như canh hẹ tại Việt Nam và cũng chẳng biết chính xác là đấu với động cơ gì, thì tại Thái Lan, các quan chức bóng đá đấu nhau bằng cương lĩnh phát triển.

Ai có cương lĩnh phát triển bóng đá nước nhà tốt hơn, ai có những cống hiến thực tế, có thể đo đếm cụ thể tốt hơn sẽ được trọng dụng ở các vị trí cao. Làm theo cách ấy, liệu có ai phải cảm thấy oan ức đến mức phát khóc như bầu Tú?

3. Mới đây, cựu HLV Sài Gòn FC, Nguyễn Đức Thắng đưa ra 2 con số đáng suy nghĩ. Theo anh, bóng đá phong trào có vai trò chiếm tới 30 - 50% sự phát triển của cả nền bóng đá Việt Nam. Và theo HLV này, bóng đá phong trào ở Việt Nam mới chỉ phát triển được... 10% so với một nền bóng đá phong trào mạnh, ví dụ như Đức.

Đã khi nào, bóng đá phong trào ở Việt Nam thật sự được coi trọng, như con số 30-50% HLV Nguyễn Đức Thắng nêu trên?

Đã khi nào, lãnh đạo bóng đá Việt Nam thật sự muốn đi tìm và tìm được lời phản biệt cho câu nói nổi tiếng "bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc" của HLV Alfred Riedl?

Ngoài bóng đá phong trào phát triển một cách chậm chạp, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng còn cả ti tỉ vấn đề tồn đọng.

Rồi đây, hẳn các sếp VFF, VPF, bầu Đức cùng những người có tâm với bóng đá nước nhà sẽ phải rất đau đầu tìm cách giải quyết.

Thế nên, đừng bao giờ quá thô bạo "cản trở công việc của nhau trong bóng đá" một lần nữa, vì chung tay sau những giọt nước mắt hay sự phẫn nộ đâu phải là dễ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại