Trung Quốc lâu nay luôn coi việc mở rộng hàng hải là một trong những con đường giúp nước này trở thành một siêu cường và củng cố tầm ảnh hưởng về quân sự, chính trị và kinh tế ở châu Á. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua những động thái quân sự hóa liên tục gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc đang xây dựng chuỗi các cơ sở quốc phòng và thương mại bao gồm các hải cảng ở Ấn Độ Dương.
Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện trên các tuyến đường thủy lân cận để thỏa mãn tham vọng của mình, CNBC nhận định.
Tây và Nam Thái Bình Dương
"Tây và Nam Thái Bình Dương là các vùng biển mà Trung Quốc có thể mở rộng và cũng đang có dấu hiệu cho thấy những hoạt động này", ông Collin Koh Swee Lean, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho hay.
Năm 2017, các tàu của Trung Quốc xuất hiện xung quanh vùng biển ngoài khơi Philippines, nơi Manila tuyên bố chủ quyền.
"Nhiều người cho rằng Trung Quốc nhắm tới khu vực này vì lý do quân sự, phần lớn là để phục vụ cho mục đích tăng cường giám sát vùng biển Tây Thái Bình Dương với lực lượng quân đội Mỹ hoạt động ở Đảo Guam và xa hơn là ở Hawaii", ông Koh phân tích.
Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đang để mắt tới Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang tìm cách thiết lập hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Vanuatu, nằm gần đảo Fiji. Giới quan sát cho rằng nguyên nhân nền kinh tế thứ 2 thế giới nhắm vào khu vực này là nguồn nguyên liệu thô dồi dào tại đây.
Bắc Kinh được cho là đang nhắm tới nguồn hydrocacbon ở Papua New Guinea, gỗ ở đảo Vanuatu và Solomon và các loại đất hiếm nằm sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương.
Sông Mekong
Mekong, con sông nối Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia là một trong những mục tiêu tiếp theo đang nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh, theo Viện nghiên cứu Lowy ở Australia.
Video: Máy bay ném bom H-6K hạ cánh trái phép xuống đường băng tại Hoàng Sa
Là con sông dài thứ 12 trên thế giới, Mekong ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 60 triệu người sống dọc 2 bờ sông. Tuy nhiên, những con đập gây tranh cãi với hệ thống đường ống chằng chịt của Trung Quốc đang đe dọa cuộc sống của người dân ở vùng hạ nguồn khi chúng làm giảm lượng giảm lượng phù sa chảy xuống hạ lưu, ảnh hưởng tới sản lượng khai thác cá và hoạt động trồng trọt của nông dân.
"Các con đập của Trung Quốc điều tiết dòng chảy của sông Mekong", Viện Lowy cảnh báo. "Hiện nay, tác động đến lương thực và sinh kế là rất lớn, nhưng có thể sẽ tồi tệ hơn nếu kế hoạch xây dựng 11 con đập lớn được triển khai".
Tuy nhiên những con đập này chỉ là một phần trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc. Bắc Kinh đang loại bỏ các chướng ngại vật để tạo ra tuyến đường vận chuyển qua trung tâm Đông Nam Á tới Lào, sáng kiến mà họ gọi là "Dự án cải tiến kênh hàng hải tại khu vực sông Mekong".
"Việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát các con sông ở Đông Nam Á được coi là một nửa của chiến dịch "lát cắt xúc xích", Viện Lowy lưu ý và cảnh báo đây mới chỉ là một phần trong dã tâm tích lũy từ từ của Trung Quốc trong khu vực.