Trong tuyên bố được Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF) công bố hồi tuần trước, hai máy bay ném bom B-52 đã khỏi hành từ căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam và cùng tham gia huấn luyện với các chiến đấu cơ F-15C Eagle hoạt động ở căn cứ không quân Kadena tại Nhật Bản.
Hoạt động huấn luyện này diễn ra vào ngày 20/3, song chi tiết nội dung huấn luyện không được công bố với báo chí.
Theo Sputnik, nhiệm vụ huấn luyện và tuần tra trên biển Hoa Đông không còn là điều mới lạ mà đang trở thành hoạt động diễn tập thường xuyên của quân đội Mỹ.
Tần suất Mỹ điều động các máy bay ném bom xuất hiện ở biển Hoa Đông cũng nhiều hơn so với 10 năm trước. Đây là sứ mệnh được Washington gọi là “ hoạt động ủng hộ sự tự do và mở cửa của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Hồi đầu tháng này, hai oanh tạc cơ B-52 của Mỹ cũng đã hai lần xuất hiện trên Biển Đông trong “sứ mệnh huấn luyện theo kế hoạch”. Đáng nói, hai lần hai oanh tạc B-52 của Mỹ có mặt ở Biển Đông chỉ cách nhau 10 ngày.
Còn trong sứ mệnh hoạt động trên biển Hoa Đông, một chiếc B-52 của Mỹ đã khởi hành từ Guam vào ngày 18/3 để “tiến hành huấn luyện làm quen đồng thời hai mặt trận ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu”.
“Trong đợt huấn luyện thứ hai, cả hai máy bay ném bom B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Andersen và tới khu vực phía đông bán đảo Kamchatka trước khi quay trở lại căn cứ”, tuyên bố từ PACAF cho biết.
“Các chuyến bay từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác thông qua hoạt động triển khai các lực lượng quân sự toàn cầu.
Hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược còn tăng cường khả năng sẵn sàng và là đợt huấn luyện thiết yếu nhằm đối phó trước mọi cuộc khủng hoảng tiềm tàng và cả những thách thức trên toàn cầu”, PACAF nhấn mạnh.
Theo tạp chí Diplomat, không quân Mỹ đang luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-52 tới biển Hoa Đông và Biển Đông kể từ tháng 1/2018, thời điểm B-52 thay thế cho B-1B Lancer hoạt động dưới sự quản lý của Phi đội đánh bom viễn chinh số 9.
Sự xuất hiện của các máy bay ném bom Mỹ trên biển Hoa Đông và Biển Đông còn là lời cảnh báo từ phía với Mỹ với Trung Quốc trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên hai vùng biển chiến lược này.