Theo Livescience đưa tin, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy bộ hài cốt được bảo quản tốt của một người phụ nữ được mệnh danh là "Đại phu nhân", trong cỗ quan tài chứa đầy nước tại làng Thiết Quải, Nam Lăng thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Đáng chú ý là cỗ quan tài hai lớp này có niên đại khoảng 900 năm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện hài cốt được chôn cất cùng với nhiều đồ bồi táng có giá trị, bao gồm một mô hình nhà (rộng 34cm, dài 19,6cm) có sân trong và 3 phòng với các đồ nội thất bé xíu bên trong giống như ngôi nhà búp bê, và mặt dây chuyền bằng bạc có khắc hình hai con rồng đuổi bắt một viên trân châu.
Hài cốt của người phụ nữ còn nguyên vẹn tóc và móng tay dù đã được chôn cất cách đây khoảng 900 năm. Ảnh: Chinese Cultural Relics
Ngoài ra, một dòng chữ được tìm thấy trên nắp quan tài ở bên trong cho thấy người chủ của ngôi mộ là một "Đại phu nhân" và sống tại châu An Khang. Mặc dù tên thật của người phụ nữ quý tộc này rất khó để xác định qua dòng chữ cổ, nhưng các nhà khảo cổ cho rằng có thể là "Née Jian".
Trong một báo cáo được công bố trên Tạp chí Chinese Cultural Relics, một nhóm các nhà khảo cổ cho biết: "Bộ xương của "Đại phu nhân" về cơ bản được bảo quản khá tốt với sự nguyên vẹn của móng tay và tóc".
Mặt dây chuyền bằng bạc được tìm thấy quan tài của Đại phu nhân. Ảnh: Chinese Cultural Relics
Vị phu nhân này vẫn còn đeo trâm cài bằng bạc và vàng trên đầu, tay đeo vòng bạc và trên bụng có một chuỗi tiền gồm 83 đồng xu bằng đồng, bên dưới tay phải của bà cũng có dấu vết của hai chiếc bánh nếp gạo (một loại bánh truyền thống của người Trung Quốc) và chân thì đi giày thêu.
Trâm cài bằng bạc được tìm thấy trên người của vị phu nhân. Ảnh: Chinese Cultural Relics
Các chuyên gia cũng tìm thấy nhiều bức tranh vẽ về một người phụ nữ ở bên trong quan tài, và nhiều khả năng thì đây có thể Đại phu nhân. Cụ thể, mỗi bức họa chân dung cho thấy bà mặc trang phục và đeo nhiều đồ trang sức khác nhau.
Manh mối giúp các nhà nghiên cứu xác định hài cốt và niên đại ngôi mộ
Một manh mối giúp cho nhóm nghiên cứu xác định được thời gian mà vị phu nhân này sinh sống là nhờ vào 200 đồng xu bằng đồng tìm thấy ở phía đáy của quan tài. Theo đó, những đồng xu cổ này có niên đại vào khoảng năm 713 -1100.
Do đó, các nhà khảo cổ phỏng đoán người phụ nữ này có thể đã qua đời không lâu sau năm 1100, điều này có nghĩa là bà đã sống trong triều đại nhà Tống, một thời kỳ mà văn hóa nghệ thuật và khoa học phát triển nở rộ ở Trung Quốc.
10 bức tượng gỗ nhỏ được tìm thấy ngôi mộ. Ảnh: Chinese Cultural Relics
Bức tượng bằng gỗ mô tả cảnh tượng 4 người khiêng kiệu. Ảnh: Chinese Cultural Relics
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện các đồ tạo tác độc đáo khác trong ngôi mộ cổ của Đại phu nhân, bao gồm 10 bức tượng nhỏ mô tả phụ nữ đeo mặt nạ và chơi nhạc cụ, bức tượng gỗ 4 người khiêng kiệu.
Một ngôi mộ khác cũng được tìm thấy bên cạnh nơi an nghỉ của Đại phu nhân, nhưng đã bị cướp phá nặng nề và chỉ còn một vài hiện vật sót lại.
Các nhà khảo cổ cho biết, ngôi mộ này có thể thuộc về một thành viên trong gia tộc của vị phu nhân trên.
Cả hai ngôi mộ cổ đều được một nhóm gồm các nhà khảo cổ học tại Cơ quan quản lý di sản văn hóa Nam Lăng và Viện Di sản văn hóa và Khảo cổ tỉnh An Huy (Trung Quốc) tiến hành khai quật trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2014. Phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Chinese Cultural Relics.
Tham khảo nguồn: Livescience, Foxnews