Trong hơn 75 năm qua, hai nghiên cứu mang tên Grant và Glueck của Đại học Harvard đã theo dõi tình trạng thể chất và tinh thần của 2 nhóm đối tượng: 456 người đàn ông nghèo ở Boston từ năm 1939 đến 2014 (nghiên cứu Grant) và 268 nam giới vừa tốt nghiệp đại học Harvard (nghiên cứu Glueck).
Do tiến hành trong suốt một khoảng thời gian dài nên đã có nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu tham gia. Kể từ trước thời kỳ thế chiến thứ II, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu máu, scan não cũng như phỏng vấn trực tiếp các đối tượng để đưa ra kết luận này.
Theo Robert Waldinger, Giám đốc của trung tâm nghiên cứu cho biết: “Thông điệp rõ ràng nhất mà chúng tôi rút ra được sau 75 năm nghiên cứu đó là: Tình yêu đẹp giúp chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn”.
Không phải số tiền bạn có trong tài khoản hưu trí. Không phải việc bạn đã tham dự bao nhiêu cuộc hội thảo và làm chủ trì bao nhiêu cuộc họp.
Không phải số lượng trang blog bạn đã viết hay số bông hoa bạn từng nhận. Không phải bao nhiêu công ty công nghệ mà bạn đã từng làm việc và cũng không phải vị trí quyền lực của bạn hay số tiền bạn trả lương cho người khác.
Về cơ bản, tiên đoán lớn nhất cho hạnh phúc và một cuộc sống trọn vẹn chính là tình yêu.
Đặc biệt nghiên cứu nhấn mạnh rằng khi có ai đó để dựa vào, hệ thần kinh não của chúng ta sẽ thư giãn hơn, giúp não khỏe và sống lâu hơn, đồng thời giảm các nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những người cô đơn sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe sớm và có thể chết sớm hơn.
“Vấn đề không phải ở số lượng bạn bè mà bạn có và liệu bạn có đang trong mối quan hệ phức tạp hay không. Chất lượng của mối quan hệ yêu đương mới là điều đáng nói”, Waldinger cho biết.
Dù bạn có hàng tá bạn thân và bạn thường xuyên đi chơi với họ hàng tuần hay bạn đang có một tình yêu cực kì lãng mạn, điều quan trọng là bạn phải chú ý đến chất lượng của mối quan hệ. Bao nhiêu tổn thương và chiều sâu tồn tại trong đó. Hay bạn có cảm thấy an toàn khi chia sẻ với những người xung quanh không? Mức độ bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh những người mà bạn yêu quý như thế nào?
Theo George Vaillant – nhà tâm lý học đã trực tiếp chỉ đạo nhóm nghiên cứu trong giai đoạn từ 1972 đến 2004, có 2 yếu tố nền tảng quyết định điều này. “Một là tình yêu. Hai là tìm cách đối phó với những khó khăn của cuộc sống mà không đánh mất tình yêu”.
Vì vậy, nếu bạn đã tìm thấy tình yêu (một dạng của các mối quan hệ) nhưng bạn lại đang phải trải qua những nỗi đau như mất việc, mất đi người thân và bạn không thể vượt qua được những nỗi đau này, bạn cũng sẽ kết thúc bằng cách đánh mất tình yêu.
Nghiên cứu này là một nhắc nhở cho thấy chúng ta phải tập trung vào không chỉ các mối quan hệ mà còn cả khả năng xử lý cảm xúc và áp lực. Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy tìm đến một phương pháp trị liệu tốt.
Hãy tham gia một nhóm hỗ trợ hay các buổi hội thảo, tư vấn của chuyên gia. Bạn cần phải có sự phát triển bản thân để có thể sẵn sàng cho việc kết nối các mối quan hệ.
Đến cuối cùng, bạn sẽ có được số tiền mà mình muốn, một công việc trong mơ, một sức khỏe tốt. Nhưng nếu không có tình yêu, bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc thực sự.
Vì thế, nếu bạn quyết định ngồi lướt Facebook thay vì đến cuộc hẹn với người bạn quan trọng của mình hoặc bạn đang cân nhắc xem nên ngồi làm thêm giờ tại văn phòng hay đi ăn với người bạn thân hoặc làm việc vào thứ 7 hay dành thời gian đi siêu thị với chị gái, hãy nhớ đưa ra lựa chọn thật đúng đắn.
“Các mối quan hệ rất lộn xộn và phức tạp. Nhưng đó chính là cuộc sống. Cuộc sống tốt đẹp khi bạn xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp”, Waldinger kết luận.