Sau 5 năm chinh chiến ở Syria, Nga thành công hay thất bại?

Mạnh Kiên |

Nga đã nỗ lực duy trì vị thế ở Syria suốt 5 năm qua nhưng không phải mục tiêu nào cũng thành công.

Vào ngày 30/9/2015, Liên bang Nga chính thức tham gia cuộc chiến Syria, khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đứng trên bờ vực thất bại trước phiến quân đối lập.

Sự can thiệp của Nga ngay sau đó đã ngăn chặn bước tiến của phe đối lập được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh hậu thuẫn, đồng thời duy trì quyền lực ổn định ở Damascus.

Thành công này đã mở đường cho sự hiện diện tăng cường hơn của Nga ở Trung Đông, mà một số nhà quan sát gọi đó là “sự trỗi dậy của Nga”.

Vậy sau 5 năm ở Syria, Nga ngày nay đứng ở vị trí nào? Điện Kremlin có đạt được các mục tiêu của mình và thách thức được sự thống trị của Mỹ trong khu vực không?

Nga đạt được gì về mặt chính trị ở Syria?

Sức mạnh quân sự vượt trội của Nga đã thay đổi động lực trên thực địa ở Syria tương đối nhanh chóng. Mặc dù Nga vẫn tuyên bố mục tiêu chủ yếu là chống lại các nhóm khủng bố, nhưng quân đội Nga cùng với các đồng minh Syria đã từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của các nhóm đối lập được phương Tây hậu thuẫn.

Chưa đầy một năm sau, quân đội Nga cùng với các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và quân Chính phủ Syria đã bao vây Đông Aleppo và đến tháng 11, buộc các nhóm vũ trang đối lập phải đầu hàng và rời khỏi thành phố.

Đây là một bước ngoặt trong cuộc xung đột, vì nó đánh dấu sự suy tàn của các lực lượng đối lập và mở ra một trục mới gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nhau tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trong khi đẩy phương Tây và các cường quốc Ả Rập ra bên lề các giải pháp hòa bình .

Vai trò hàng đầu của Nga ở Syria cũng mang lại cho nước này đòn bẩy khu vực vượt ra ngoài biên giới Syria. Thành công được ghi nhận của Nga cũng khuyến khích các nước khác ở Trung Đông tìm kiếm cải thiện quan hệ với Moscow trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục ra khỏi khu vực.

Nhưng bất chấp sự can dự ngoại giao ngày càng tăng trong khu vực và uy tín trên trường quốc tế đi kèm, Nga vẫn chưa thực sự đạt được mức ảnh hưởng như Mỹ từng có tại Trung Đông.

“Mọi người đều thấy rõ rằng hiện nay Nga là một siêu cường và nước này đang đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông. Nhưng đồng thời, Nga có những giới hạn về các nguồn lực kinh tế và chính trị”, Leonid Isaev, chuyên gia tại Trường Kinh tế Cao cấp (Nga) nói vưới Al Jazeera.

Moscow cũng không tận dụng được vị thế của mình trong cuộc xung đột Syria để bắt đầu đối thoại với phương Tây về các lệnh trừng phạt hoặc đạt được các cam kết tái thiết sau chiến tranh.

Đồng thời, Nga cũng phải chia sẻ ảnh hưởng với cả Iran ở Syria.

“Có sự thấu hiểu giữa Iran và Nga ở Syria và có sự phân chia phạm vi ảnh hưởng của cả hai”, Kirill Semenov, nhà phân tích Trung Đông tại Moscow, cho biết. “Rất khó để nói ai có thể ảnh hưởng đến chính quyền Tổng thống Assad nhiều hơn. Damascus khá độc lập và có thể tận dụng cả Moscow và Tehran để đảm bảo sự tồn tại của mình”.

Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự ở khu vực miền Bắc Syria giàu tài nguyên cũng đảm bảo cho Ankara và Washington có tiếng nói trong tương lai ở Syria. Điều này cũng ngăn cản bước tiến của quân Chính phủ Syria, các đồng minh Iran và Nga trong mục tiêu tái thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.

Nga thu được gì về lợi ích kinh tế?

Sau 5 năm chinh chiến ở Syria, Nga thành công hay thất bại? - Ảnh 1.

Nga đã không thể có được các thỏa thuận tái thiết sau chiến tranh từ châu Âu.

Nga tham chiến ở Syria trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do giá dầu lao dốc và hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này ban đầu gây ra lo ngại trong nước về chi phí tham chiến.

Theo Chính phủ Nga, sáu tháng đầu tiên của hoạt động quân sự tiêu tốn 464 triệu USD. Nếu so với chi tiêu của Mỹ ở Iraq (gần 2 nghìn tỷ USD trong 16 năm hay khoảng 125 tỷ USD mỗi năm), là một con số tương đối khiêm tốn.

Hai năm sau khi bắt đầu can thiệp, ngân sách quốc phòng của Nga giảm từ mức 5,5% GDP (79 tỷ USD) vào năm 2016 xuống 3,7% (61,4 tỷ USD) vào năm 2018, làm giảm bớt lo ngại về bội chi cho quân đội.

Đồng thời, Chính phủ Nga cũng coi hoạt động ở Syria là cơ hội để thử nghiệm và quảng bá vũ khí (điều mà các nhà xuất khẩu vũ khí lớn khác như Mỹ và Israel cũng đã làm trong khu vực). Vào năm 2017, bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 600 vũ khí mới đã được thử nghiệm trong các hoạt động quân sự ở Syria.

Chiến tranh Syria cũng đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh với các hợp đồng dầu khí giữa Nga với Damascus. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có một vài công ty tham gia vào cuộc chơi vì không có cơ hội kinh tế và thương mại lớn nào cho hoạt động kinh doanh của Nga ở Syria, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt khiêm tốn hơn nhiều so với Iraq.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là đối tác thương mại lớn của Nga và cả hai đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Syria. Đây là điều mà doanh nghiệp Nga muốn tránh.

Điều này cũng đã làm phức tạp quá trình tái thiết ở những khu vực bị thiệt hại nặng nề do giao tranh mà Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát. Bản thân Nga đã không cam kết tài trợ đáng kể nào cho việc tái thiết và đã không thuyết phục được EU hoặc các nước vùng Vịnh làm như vậy.

Trong khi các cơ hội kinh tế ở Syria không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Nga, đòn bẩy chính trị mà Nga có được khi can thiệp vào Syria đã mở ra cánh cửa để tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khác trong khu vực.

“Nga có một số tài sản chính trị mà họ có thể thương thảo với các nước vùng Vịnh… Đổi lại, Nga đang tìm kiếm sự hợp tác kinh tế và đầu tư mạnh mẽ hơn với các quốc gia ở khu vực này”, chuyên gia Isaev nói.

Trong những năm gần đây, Nga đã ký các cam kết đầu tư và các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Saudi Arabia, UAE và Qatar. Các công ty Nga cũng đã mua được các hợp đồng năng lượng béo bở ở Ai Cập, Lebanon, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại