Chiều 15.3, PGS-TS-BS Trần Minh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay bệnh viện này vừa gắp thành công dị vật nằm trong phổi của bệnh nhân rất đặc biệt chỉ còn 1 lá phổi trong tình trạng bị suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản.
Trước đó vào ngày 13.3 khi đang ăn mãng cầu, bà P.T.Ơ (55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh,TP.HCM) bất ngờ bị ho sặc sụa và tím tái, mọi người trong gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến 1 bệnh viện lớn của TP và cuối cùng bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại bệnh viện địa phương các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị vật đường thở nên chuyển đến bệnh viện tuyến trên.
Tại bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ phát hiện dị vật là hạt mãng cầu nằm trong phổi nhưng gắp không thành công phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Trường cho biết bệnh nhân Ơ. là một trường hợp rất đặc biệt chỉ có 1 lá phổi, vì cách đây khoảng 20 năm bệnh nhân này bị lao phổi nên các bác sĩ đã cắt bỏ mất lá phổi trái.
Khi đến bệnh viện bệnh nhân này trong tình trạng suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản. Trong khi đó, bệnh nhân lại bị một dị vật ở nằm ở đường thở là hạt mãng cầu.
"Trong tất cả các dị vật nằm ở phổi thì dị vật khó chịu nhất chính là hạt mãng cầu và hạt sa pô chê. Cái khó của 2 hạt này chính là rất trơn nên rất khó lấy, nếu lấy không khéo thì dị vật sẽ tuột vào bên trong", bác sĩ Trường chia sẻ.
Chính sự khó khăn này nên ngay trong lần gắp đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã không thành công.
Trước tình thế đó, Ban Giám đốc bệnh viện đã phải họp bàn và quyết định bằng mọi giá phải lấy được dị vật ra khỏi phổi bệnh nhân, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Các bác sĩ quyết định tiếp tục thực hiện thủ thuật nội soi một lần nữa để lấy dị vật.
Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh (Khoa nội soi), người trực tiếp lấy dị vật thành công, cho biết cái khó nữa ở bệnh nhân này là chỉ còn 1 phổi, bệnh nhân lại bị suy hô hấp phải đặt nội khí quản.
Trong khi đó, nội sọi để gắp dị vật phải đi qua nội khí quản đó khiến bệnh nhân không còn đường thở. Do đó khi thực hiện gắp dị vật, bệnh nhân đã nhiều lần tụt oxy, ngưng thở.
"Trong quá trình nội soi gắp dị vật bệnh nhân đã 4 lần tụt oxy ngưng thở, chúng tôi buộc phải dừng nội soi từ 5 đến 10 phút để tiến hành hồi sức cho bệnh nhân, sau đó tiếp tục thực hiện nội soi trở lại.
Trong quá trình gắp chúng tôi phải thực hiện một cách nhanh, gọn và chính xác", bác sĩ Thanh cho hay.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Trường khuyến cáo người dân khi ăn mãng cầu tuyệt đối không nói chuyện hay cười sẽ khiến cho hạt sẽ đi theo đường thở vào phổi. Khi đó sẽ gây nên tình trạng ho sặc sụa và tím tái.
"Đây là dị vật rất dễ bị bỏ quên, nhất là vừa ăn vừa nói chuyện, hạt chui tọt vào rồi gây nên viêm phổi kéo dài nhưng không hay biết. Khi ăn loại quả này thì nên bổ theo chiều dọc để hạt lộ ra ngoài", bác sĩ Trường cho biết.