Sau 31 năm, Nhật Bản cho phép săn bắt cá voi thương mại trở lại: Bất chấp phản đối để nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối?

NEGRONI |

Dù nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi chạm đáy, nước Nhật vẫn bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường để cho phép săn bắt cá voi lấy thịt trở lại.

Đối với những người theo nghề săn bắt cá voi, quyết định mới đây của Nhật Bản cho phép ngành nghề này được tiếp tục trở lại hoạt động là một tin vui và cũng là một thành công lớn. 

Ngay lập tức, một đoàn tàu đã hồ hởi ra khơi, và chỉ cần vài giờ sau, con tàu quay lại với xác của hai chú cá voi to lớn. 

Những con vật khổng lồ đang há hốc miệng và trôi ra khỏi đuôi tàu, được ngư dân rưới lên người những chén rượu sake như là một phương thức truyền thống để thanh tẩy những mẻ cá.

Ông Yoshifumi Kai, Chủ tịch Hiệp hội Cá voi Nhật Bản cho biết: "Tôi rất hạnh phúc. Sản lượng khai thác lớn hơn rất nhiều so với dự kiến."

Sau 31 năm, Nhật Bản cho phép săn bắt cá voi thương mại trở lại: Bất chấp phản đối để nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối? - Ảnh 1.

Trong một buổi lễ trước khi đoàn tàu ra khơi vào ngày 1/7, ông Kai đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc với nhóm người đi săn cá voi. Ông nói rằng: "Tôi rất cảm động. Trái tim tôi đang run rẩy."

1/7/2019 vừa rồi là một ngày vô cùng quan trọng. Đó là ngày mà Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại trong vùng biển của mình sau 31 năm dài đằng đẵng.

Trước đó, năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) đã công bố một lệnh cấm trên toàn thế giới về đánh bắt cá voi thương mại. 

Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Nhật Bản đã quyết định rút khỏi IWC, đây được coi là một động thái được ngành công nghiệp cá voi hoan nghênh nhưng lại bị các nhà vận động môi trường lên án vì họ cho rằng việc làm này sẽ đe dọa các loài cá voi đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Và hơn nữa, cá voi hiện nay không phải là thực phẩm chính và đa số của người dân Nhật Bản, vậy thì tại sao đất nước này vẫn tiếp tục săn bắt cá voi?

Ngư dân hồ hởi với quyết định của Chính phủ

Anh em Maeda là những người có nhiều thập kỉ kinh nghiệm trong việc săn bắt cá voi. Những ngày này, họ đang chạy những chuyến tàu để đi tìm cá voi trên vùng biển lạnh lẽo Okhotsk cho khách du lịch được tham quan.

Mitsuhiko Maeda, 73 tuổi và em trai Saburo, 71 tuổi, trước đây làm việc trong một đội gồm tám người. 

Trung bình cả đội sẽ săn bắt được khoảng 40 con cá voi mỗi năm. Ông Mitsuhiki nói rằng: "Săn cá voi là một phần cuộc sống của tôi. Và tất nhiên nghề này nên được khởi động lại. Nhật Bản có văn hóa ẩm thực về cá voi."

Sau 31 năm, Nhật Bản cho phép săn bắt cá voi thương mại trở lại: Bất chấp phản đối để nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối? - Ảnh 2.

Ông Maeda hiện nay không có ý định trở về nghề cũ của mình. Ông nói thêm rằng: "Tôi thích ngắm cá voi vây, loài cá voi lớn thứ hai trên thế giới. Tôi sẽ tiếp tục dẫn tour du lịch trên biển, còn những người săn bắt cá voi vẫn sẽ tiếp tục bắt cá voi. Tôi muốn cả hai cùng tồn tại."

Lệnh cấm săn bắt cá voi năm 1986 khiến sự nghiệp của anh em ông Maeda bị dừng đột ngột, tuy nhiên, các thợ săn Nhật Bản khác vẫn tiếp tục săn bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm trong 3 thập kỉ qua. 

Họ sử dụng giấy phép đặc biệt được IWC cấp cho việc "nghiên cứu khoa học."

Theo thống kê của IWC, Nhật Bản đã giết 596 con cá voi trong 2 năm 2017-2018. Hầu hết cá voi đều bị đánh bắt ở phía Châu Nam Cực.

Mới đây, Tokyo đã bảo vệ quyền săn cá voi của mình và cho rằng đây là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống hàng hải Nhật Bản. 

Ông Kiyoshi Ejima, nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do và là người ủng hộ trung thành cho ngành săn bắt cá voi đã lên tiếng: "Nhật Bản là một quốc đảo được bao quanh bởi đại dương và chúng tôi đã sử dụng cá voi để làm thức ăn từ thời cổ đại."

Sau 31 năm, Nhật Bản cho phép săn bắt cá voi thương mại trở lại: Bất chấp phản đối để nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối? - Ảnh 3.

Theo cơ quan Thủy sản Nhật Bản, một hạn ngạch săn bắt đã được thiết lập từ nay cho tới cuối năm với số lượng là 227 con cá voi. 

Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu và điều này khiến một số chuyên gia cảm thấy vô cùng lo lắng.

Patrick Ramage, giám đốc bảo tồn biển tại Quỹ bảo vệ động vật quốc tế cho biết: "Có những quần thể cá voi với số lượng ít ỏi trên khắp Nhật Bản không thể dùng để duy trì hoạt động săn bắt thương mại."

Một ngành công nghiệp đang chết dần?

Ngành công nghiệp đánh bắt cá voi Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: sự thèm ăn thịt cá voi đang giảm dần.

Sau sự tàn phá của Thế chiến II, thịt cá voi đã trở thành một nguồn đạm quan trọng ở Nhật Bản. Theo thống kê của Chính phủ, năm 1964, Nhật Bản tiêu thụ 154.000 tấn thịt cá voi. 

Và vào những năm 1970 và 1980, cá voi chiên là một món ăn phổ biến được phục vụ cho bữa trưa của học sinh.

Sau 31 năm, Nhật Bản cho phép săn bắt cá voi thương mại trở lại: Bất chấp phản đối để nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp đang hấp hối? - Ảnh 4.

Nhưng vào năm 2017, người Nhật chỉ ăn 3.000 tấn thịt cá voi. Nếu tính theo đầu người thì điều này chỉ tương đương với khoảng hai muỗng canh thịt cá voi mỗi năm.

Các nhà phê bình cho rằng ngành công nghiệp săn bắt cá voi đang chết dần từng ngày và hiện nó vẫn tồn tại là do được trợ cấp bởi Chính phủ.

Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đã phân bổ số tiền tương đương khoảng 463 triệu đô la để hỗ trợ đánh bắt cá voi cho năm 2019.

Tuy vậy, hiện này vẫn có nhiều nhà hàng ở Tokyo trang trí lối vào của họ bằng những bức tranh về cá voi trên biển và tự hào tôn vinh truyền thống ẩm thực bằng cách phục vụ món thịt cá voi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại