Phá vỡ thông lệ
Sáng nay 20/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên.
Lần gần nhất thăm Triều Tiên của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc diễn ra cách đây 14 năm - tức chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2005.
Do đó, thời điểm chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình - tiến hành trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ căng thẳng và trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 - rất dễ khiến dư luận liên hệ tới cuộc gặp gỡ giữa hai ông Trump-Tập tại G20 tới đây.
Vào ngày 19/6, một bài viết với tiêu đề Kế thừa tình hữu nghị Trung-Triều, viết tiếp chương mới của thời đại của Chủ tịch Tập Cận Bình được đăng trên trang nhất báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun.
Theo giới chuyên gia, bài viết dường như đã đưa ra thông điệp giải thích về chuyến thăm dưới góc nhìn của Trung Nam Hải và từ lịch trình thăm Bình Nhưỡng của ông Tập cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng chuyến thăm đặc biệt này.
Vào ngày 17/6, không giống như các chuyến thăm khác - thông tin được đăng tải trên website chính thức, Ban liên lạc đối ngoại trung ương ĐCSTQ đã tổ chức hẳn một buổi họp báo để công bố về chuyến thăm. Ngay sau đó, ông Tập có bài viết đăng trên báo đảng Triều Tiên. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo và hãng thông tấn Tân Hoa Xã cũng ngay lập tức đưa tin về bài viết.
Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo đăng tải một bài bình luận, trích dẫn lời nhận xét của một nhà nghiên cứu vấn đề Trung Quốc Đây là một chuyến thăm mang tính cột mốc làm tiêu đề, để truyền đạt đánh giá của Bắc Kinh về tầm quan trọng của chuyến thăm này. Điều này không phổ biến trong các chuyến thăm nước ngoài thông thường của ông Tập Cận Bình.
Ông Tập đã tới Bình Nhưỡng vào sáng nay 20/6. Trong ảnh: Chuyên cơ của ông Tập chuẩn bị cất cánh tại Bắc Kinh. Ảnh: Yonhap
Ngoài động thái đặc biệt coi trọng của truyền thông nhà nước, tính chất của chuyến thăm Triều Tiên lần này của ông Tập cũng khác với những chuyến thăm Triều Tiên trước đó của hai cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.
Trong nhiệm kỳ trước đây, cả hai cựu lãnh đạo Trung Quốc đã đến thăm Triều Tiên nhưng các chuyến thăm đều được tiến hành dưới hình dưới của hoạt động công du hữu nghị và các ông cũng không có bài viết nào gửi tới báo đảng Triều Tiên để bày tỏ quan hệ Trung-Triều.
Theo đánh giá, đây là chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi giữa hai nước Trung-Triều trong hai, ba thập kỷ qua với tiếng vang vô cùng lớn.
Ba thông điệp lớn
Về bài phát biểu của ông Tập trên tờ Rodong Sinmun, giới phân tích cho rằng có ba thông điệp tiết lộ về quan hệ Trung-Triều.
Thứ nhất, bài viết bắt đầu với một đánh giá về tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Điều đó khẳng định, dù tình hình quốc tế có thay đổi như thế nào thì đảng và chính phủ Trung Quốc vẫn giữ vững lập trưởng củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung-Triều.
Việc nhắc lại rằng tình hữu nghị truyền thống Trung-Triều giống như là một đánh giá lịch sử nhưng trên thực tế, nó truyền tải thông tin rằng mối quan hệ Trung-Triều đã tan băng, báo tiếng Hoa Đa chiều bình luận.
Kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo Triều Tiên, quan hệ Trung-Triều được đánh giá trở nên lạnh nhạt hơn so với các thời kỳ trước đó. So với chuyến thăm Triều Tiên ngay sau khi nhậm chức của ông Giang Trạch Dân thì ông Tập đã đợi tới 7 năm sau mới sang thăm Bình Nhưỡng. Điều này cho thấy, mối quan hệ song phương đã nồng ấm trở lại.
Thứ hai, khi nói về nhu cầu thực tế của quan hệ song phương, bài viết tuyên bố rằng "Trung Quốc sẽ kiên định ủng hộ Ủy viên trưởng Kim Jong-un lãnh đạo đảng và nhân dân Triều Tiên thực hiện đường lối chiến lược mới, tập trung phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân". Điều này phát đi tín hiệu rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện hợp tác sâu rộng hơn trong phát triển kinh tế theo đường lối chiến lược mới của Triều Tiên.
Kể từ tháng 4/2018, ông Kim Jong-un đã đề xuất "tập trung tất cả các lực lượng để xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa" tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban trung ương lần khóa VII của đảng Lao động Triều Tiên.
Từ đó, Triều Tiên đã chuyển chiến lược từ "song song phát triển hạt nhân kinh tế" sang "phát triển kinh tế", đồng thời thông qua đối thoại với Mỹ để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như phá băng quan hệ với Hàn Quốc.
Thứ ba, Đa chiều cho rằng, đây có lẽ không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chuyến thăm Triều Tiên được tổ chức trước thềm cuộc gặp Trump-Tập tại G20 tới đây.
Khi nhắc tới mối quan hệ hiện tại, một vấn đề quan trọng khác được nhấn mạnh trong bài báo là "vấn đề hạt nhân của Triều Tiên".
"Chúng tôi rất vui khi thấy rằng theo dưới chính sách đúng đắn của Chủ tịch Kim Jong-un và sự nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan, xu thế lớn về đối thoại hòa bình trên bán đảo đã hình thành và giải pháp chính trị cho bán đảo đang đối diện với một cơ hội lịch sử hiếm có", bài báo viết.
Theo đó, yếu tố trực tiếp nhất trong việc hâm nóng quan hệ Trung-Triều là Triều Tiên sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại chính trị, Đa chiều nhận định. Có thể nói rằng chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi này là một nút quan trọng nhằm cải thiện quan hệ song phương bên cạnh thời điểm được lựa chọn khéo léo.