Cuộc chạy đua giữa 3 cường quốc Không quân
Tạp chí U.S. Air Force của Không quân Mỹ cho biết, sau năm 2020 các lực lượng không quân nước này sẽ khôi phục ưu thế bảo đảm trên không trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tác giả bài viết - tổng biên tập John Tirpak vẫn thừa nhận Nga và Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách về công nghệ với "tốc độ chóng mặt".
Theo lời ông Tirpak, Moscow và Bắc Kinh có được cơ hội này là do việc Washington thiếu tầm nhìn dài hạn, nhất là sau chiến thắng trước Liên Xô.
Theo Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), việc tích hợp các phương tiện phòng thủ chống tên lửa và lực lượng không quân cơ động cao của Nga thành một khối thống nhất, cũng như những thành tựu trong lĩnh vực tác chiến điện tử đã đe doạ ưu thế của Mỹ trong các lực lượng không quân.
Thiếu tướng Scott L.Pleus, giám đốc Các chiến dịch đường không và không gian mạng của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương tiết lộ cách thức Mỹ sẽ khôi phục lại sức mạnh trong quá khứ của mình.
"F-35 và F-22 sẽ bí mật lọt vào không phận tranh chấp và "hút thông tin như những chiếc máy hút bụi", rồi chuyển nó cho các máy bay trang bị vũ khí hạng nặng thế hệ thứ 4 hiện diện ở bên ngoài khu vực tranh chấp. Tất nhiên, những máy bay này phải cần tới các tên lửa tầm cao hơn, với công nghệ SCRAMJET (động cơ phản lực dòng thẳng siêu thanh).
Tiêm kích tàng hình F-35
Vũ khí lý tưởng để tiêu diệt các máy bay của địch sẽ phải là tên lửa AIM-260 được tập đoàn Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo từ năm 2017. Nó có chức năng thay thế AIM-120 AMRAAM, mà theo tướng Scott L.Pleus là "nhà vô địch không chiến miễn bàn cãi từ đầu thập niên 90".
Thực tế, tướng Pleus đã không quá cường điệu bởi AIM-120 từng được chế tạo để đáp trả dòng tên lửa R-27 của Liên Xô. Đây là loại mà vào thập niên 80 của thế kỷ trước đã qua mặt tên lửa tiên tiến nhất của Mỹ thời điểm đó là AIM-7 Sparrow. Mỹ đã có được ưu thế tạm thời đối với các tên lửa "không đối không" nhưng đến thời điểm hiện tại đã hoàn toàn bị phá vỡ.
Bất chấp một loạt các nâng cấp, biến thể AIM-260 của Mỹ hiện giờ đã lỗi thời. Thậm chí việc nâng tầm bắn hạ mục tiêu và bộ thiết bị chống nhiễu sóng điện tử cũng không biến AIM-260 trở thành sát thủ các tiêm kích Su và MiG.
Biến thể AIM-120D, với khả năng tấn công những máy bay địch từ khoảng cách 180km có giá 2 triệu USD – quá đắt ngay cả đối với không quân Mỹ. Nó được mua với số lượng không lớn, để trang bị cho các tiêm kích hạng năng F-22, một phần cũng là do giá trị đáng ngờ của nó.
Tháng 2/2019, Ấn Độ đã đề nghị Mỹ "bắn hạ" Su-30MKI của mình bằng tên lửa tốt nhất AIM-120С, tất nhiên không phải trong cuộc tấn công thực sự, mà trong trận chiến mô phỏng. Điều này xảy ra, nhiều khả năng, sau khi vào ngày 20/02/2019 tập đoàn Lockheed Martin đã giới thiệu chiếc tiêm kích đa năng hạng nhẹ F-21 mới cho Ấn Độ.
Đó là phiên bản đặc biệt của tiêm kích F-16 có trách nhiệm "hất cẳng" MiG-35 khỏi gói thầu kéo dài nhiều năm MMRCA (Medium Multi-Role Combat Aircraft) với mục tiêu trang bị 114 máy bay chiến đấu đa năng "tối hiện đại" cho Không quân Ấn Độ.
Người Mỹ đã mang theo phần mềm để đào tạo mô phỏng, bao gồm giả định các trận không chiến. Nhiều khả năng, các tín hiệu đầu ra của buồng lái tập Su-30MKI đã được kết nối vào một mô hình toán học do Lockheed Martin thiết lập, và người ngồi điều khiển sau cần lái là phi công thực sự của Không quân Ấn Độ. "…
Khi sử dụng sự kết hợp của các hệ thống tác chiến điện tử những động tác bay lượn phức tạp nhờ vector lực đẩy điều khiển, tiêm kích Su-30MKI đã tránh được 5 quả tên lửa AIM-120С.
Cũng cần phải nói rằng Su-30 được chế tạo vào thập niên 90, có nghĩa là những tiêm kích tiên tiến hơn như Su-35 và Su-57 sẽ càng dễ xử lý các cuộc tấn công, thậm chí của F-22, chứ không cần nói đến F-16.
Như vậy, khả năng cơ động cao không chỉ mang lại ưu thế lớn trong trận không chiến ở những khoảng cách ngắn, mà còn giúp chiếc máy bay tránh được các cuộc tấn công từ xa bằng tên lửa dễ dàng hơn.
Như vậy, chính lực đẩy điều khiển tốc độ cao của các máy bay Nga đã khiến Lầu Năm Góc phải chế tạo tên lửa bắn hạ tầm xa và siêu thanh AIM-260 - để "rút ngắn thời gian phản ứng của tiêm kích địch nhằm mục đích thực hiện cú bay lượn chống tên lửa.
Mỹ chế tạo thành công "Sát thủ" diệt Su-57 và MiG-35?
Các chuyên gia Mỹ cũng đưa ra đánh giá về giá thành của "Sát thủ" Su-57 và MiG-35. Theo những tính toán khiêm tốn nhất, tên lửa mới của Mỹ sẽ không rẻ hơn mức 4 triệu USD. Mặc dù hoàn toàn có khả năng mức giá này sẽ tăng, tối thiểu, gấp đôi.
MiG-35 lần đầu lộ diện tại MAKS 2017. Ảnh: Bình Nguyên
Đã xuất hiện thông tin cho rằng Lockheed Martin dự định trang bị cho AMRAAM-2 ăng-ten lưới mảng pha chủ động. Theo ý tưởng của nhà sản xuất, nó giúp bảo đảm tầm bao phủ radar định vị rộng hơn và ngăn chặn khả năng các tiêm kích của người Nga thoát khỏi khu vực radar đánh chặn trong quá trình bay lượn.
Ngoài ra, Mỹ không che dấu việc ý tưởng này đã được "mượn" từ tài liệu mô tả tên lửa tối tân K-77 của Nga. Có nghĩa là chỉ vài chục quả tên lửa AIM-260 sẽ ngốn của Mỹ số tiền tương đương một chiếc tiêm kích "dát vàng" F-35.
Xin nhắc lại, Không quân Mỹ đã mua của Lockheed Martin, về bản chất, một vài quả tên lửa đã lỗi thời AIM-120D, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn gấp nhiều lần. Lấy ví dụ, mới đây thôi, Không quân Ấn Độ đã mua của Nga 1000 quả tên lửa R-27 với tổng giá trị 220 triệu USD chỉ để phục vụ cuộc xung đột khu vực ở Kashmir.
Một tính toán không phức tạp sẽ cho thấy rằng kể cả hàng chục tỷ USD cũng không đủ để cung cấp các tên lửa tối tân AMRAAM-2 cho lực lượng không quân chiến đấu Mỹ hàng năm. Để so sánh, toàn bộ ngân sách của Lầu Năm Góc năm 2019 là 716 tỷ USD.
Liệu AIM-260 có chứng tỏ được khả năng như tên gọi "Sát thủ" Su-57 và MiG-35? Chưa chắc! Thứ nhất, hiện nay Mỹ chưa chế tạo được động cơ phản lực dòng thẳng siêu thanh hoàn thiện có khả năng giữ được vận tốc này dù chỉ vài km. Trong khi đó, tên lửa mới của Mỹ sẽ phải lao thẳng tới mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400km.
Thứ hai, một câu hỏi được đặt ra, quả tên lửa này phải mang bao nhiêu nhiên liệu để vượt qua được khoảng cách này? "Nhiều tấn" - theo nhận định của các chuyên gia, hoặc cần phải có thiết bị cung cấp năng lượng hạt nhân, giống như trong tên lửa "Burevestnik" của Nga.
Thứ ba, trong các cuộc chiến tương lai, một chiếc tiêm kích của Nga sẽ được hộ tống bởi hàng chục mục tiêu giả xuất hiện trên màn hình radar đánh chặn với hình ảnh giống như chính chiếc máy bay.
Trong trường hợp này, để đánh chặn, lấy ví dụ MiG-35, cần số lượng tên lửa mà giá trị của chúng có thể vượt gấp nhiều lần mục tiêu bị tấn công.
Tuy nhiên, ba cường quốc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực không quân chiến đấu đã tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực vũ khí chiến thuật đắt nhất – các tên lửa hàng không.
Ở đây, tiềm lực của toàn bộ nền kinh tế vô cùng quan trọng, để bảo đảm cho ngành công nghiệp quốc phòng những nguồn tài chính dồi dào. Mỹ và Trung Quốc, nhiều khả năng, dù khó nhọc nhưng vẫn chịu được gánh nặng này. Còn Nga có thể sẽ bị đứt gánh!