"Cái chết trắng", "mũi kim trắng" còn là những mệnh danh khác của sinh vật sở hữu khối lượng cơ thể khổng lồ cùng sự hung hãn dễ thấy ở cá mập trắng.
Là kẻ đi săn ăn thịt hàng đầu của đại dương nhưng cá mập trắng cũng có lúc "khó ở". Dạo gần đây, các nhà sinh vật biển phát hiện loạt hành vi kỳ lạ, khác với bình thường của chúng dưới đại dương.
Cụ thể, tập hợp các nhà khoa học thuộc Nhóm nghiên cứu Động vật biển đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và Học viện hải dương học Woods Hole (Mỹ) cho biết, nghiên cứu hành vi của cá mập trắng tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ lâu đã là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa hoc. Tuy nhiên, các bí mật chỉ được sáng tỏ khi các hành vi kỳ lạ này lại lặp lại đối với loài cá mập trắng sinh sống tại Đại Tây Dương.
HÀNH VI CHƯA TỪNG CÓ TRONG NGHIÊN CỨU CỦA CÁ MẬP TRẮNG: SĂN MỒI Ở ĐỘ SÂU HÀNG NGHÌN MÉT - GIAO PHỐI XA BỜ HƠN 3.000 KM
Theo đó, cá mập trắng ở Đại Tây Dương đang có xu hướng sinh sống và săn mồi ở khu vực xa bờ hơn và ở vùng nước sâu hơn. Cá mập ở các đại dương dần dần tập trung sống ở khu vực cách bờ đến hơn 3.700 km và săn mồi ở độ sâu hơn 1.100 m.
Cá mập trắng đang thực hiện các hình vi chưa từng có trong nghiên cứu của các nhà khoa học. Ảnh: Wallpaper Cave
Điều này hoàn toàn khác lạ với tập tính thích sống ở các vùng duyên hải, khu vực gần bờ, thậm chí ngay vùng nước con người lướt sóng của loài cá mập khổng lồ này.
Báo cáo của các nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts cho thấy, những con cá mập trắng được gắn chip theo dõi từ năm 2009 đến năm 2014 có xu hướng bơi xa bờ để sinh sống và săn mồi. Chúng cũng thường xuyên lặn sâu hơn và săn mồi ở những vùng sâu tối của đại dương.
Các nhà khoa học gắn chip vào hơn 30 con cá mập trắng để quan sát hành vi di chuyển mới của chúng. Ảnh: AP.
Gregory Skomal, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Tất cả những gì chúng tôi nắm được hiện giờ là cá mập trắng ở Đại Tây Dương có xu hướng sống xa bờ thay vì gần bờ như chúng ta từng biết về loài này. Chúng di chuyển từ bắc xuống phía nam và gần như "định cư" ở thềm lục địa".
Giải thích điều này, các nhà khoa học cho biết, rất có thể cá mập trắng đã tự thích nghi thêm với môi trường sống. Chúng dường như đang lặp lại hành vi săn mồi của tổ tiên chúng: Săn mồi ở khắp đại dương (bất kể vùng nước nông sâu của đại dương) để kiếm được nguồn thức ăn dồi dào và phong phú hơn.
Thậm chí, cá mập trưởng thành tập trung ngoài khơi xa để thực hiện các hành vi giao phối thường xuyên hơn - Đây là nghi thức giao phối chưa từng được ghi nhận trong nghiên cứu khoa học ở loài cá mập trắng!
Phát hiện này đúng với những con cá mập trắng trưởng thành khác ở các vùng đại dương khác trên thế giới. Trong khi các con cá mập con tập trung sống và kiếm mồi ở gần bờ, thì các con trưởng thành như muốn "thử thách chính mình", chúng đi xa hơn và sâu hơn kể kiếm ăn và sinh sản.
Christopher Lowe, chuyên gia về cá mập thuộc trường Đại học California (Mỹ) hồ hởi nói: "Dường như hành vi kỳ lạ này có tác động tích cực đến loài cá mập trắng. Bằng chứng là, số lượng cá mập trắng sinh sống ở xa bờ đang ngày tăng lên."
Bản đồ phân bố loài cá mập trắng sinh sống ở các vùng biển trên Trái Đất. Nguồn: Dailymail.
Sách Đỏ hiện đang liệt cá mập trắng vào loại sắp nguy cấp. Với hành vi "tự điều chỉnh" để bảo vệ giống loài này, rất có thể trong tương lai, loài cá mập trắng sẽ không còn nằm trong danh sách của Sách Đỏ ở hạng mục nêu trên.
Xem video: Cảnh săn mồi ngoạn mục của "sát thủ đại dương"
Cảnh săn mồi ngoạn mục của "sát thủ đại dương". Video: Youtube
Bài viết sử dụng các nguồn: AP, Dailymail