Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 đạt trên 20,073 triệu tỷ đồng, tăng 9,83% so với cuối năm 2022.
Thống kê từ báo cáo tài chính và công bố kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng, tổng tài sản đạt hơn 16,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, 3 ngân hàng có tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng là BIDV (hơn 2,3 triệu tỷ), VietinBank (hơn 2 triệu tỷ) và Agribank (hơn 2 triệu tỷ). Vietcombank là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 4 trong hệ thống, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022.
Như vậy, quy mô tổng tài sản của nhóm Big 4 đang chiếm đến 50% quy mô toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Những ngân hàng tiếp theo góp mặt vào Top 10 tổng tài sản lần lượt là MB (hơn 944 nghìn tỷ đồng), Techcombank (hơn 849 nghìn tỷ đồng), VPBank (hơn 817 nghìn tỷ đồng), ACB (hơn 718 nghìn tỷ đồng, Sacombank (674 nghìn tỷ đồng), và SHB (hơn 630 nghìn tỷ đồng).
HDBank bám sát vị trí Top 10 của SHB với tổng tài sản cuối năm 2023 đạt hơn 602 nghìn tỷ đồng. Nhà băng này có tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống năm qua, đạt mức tăng 44,7%.
Trong Top 10, MB, Techcombank, VPBank đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 đạt trên 20%, thậm chí như MB và VPBank là gần 30%. Những ngân hàng này gần như sử dụng hết "room" tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho năm 2023, trong đó tăng trưởng chủ yếu ở tín dụng cho khối doanh nghiệp.
Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như năm vừa qua thì ngay đầu năm 2024, MB sẽ sớm trở thành ngân hàng cổ phần đầu tiên sau nhóm Big 4 ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng.
Trong giai đoạn 10 năm qua, với khả năng mở rộng quy mô tín dụng, Techcombank, VPBank đang dần thế chỗ của ACB và Sacombank để trở thành những ngân hàng tư nhân có quy mô tổng tài sản lớn nhất. Từ 2013 đến nay, tổng tài sản của Techcombank tăng gấp 5,3 lần, VPBank tăng gấp 6,7 lần. Trong khi đó, ACB và Sacombank chỉ tăng hơn 4 lần.