Gửi câu hỏi tới Bộ Công an, công dân Nguyễn Minh Trung đặt câu hỏi:
So với thẻ Căn cước công dân (CCCD) có mã vạch thì thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…
Tôi muốn hỏi Bộ Công an, khi tham gia giao thông hoặc thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì có thể sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử để thay thế các giấy giờ liên quan đến các lĩnh vực nêu trên hay không? Nếu không thay thế được thì việc tích hợp các thông tin đó nhằm mang lại hiệu quả gì?
Bộ Công an trả lời:
Thẻ CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Thời gian tới khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an.
Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Trao đổi với Dân việt cùng về nội dung trên, luật sư Trần Thế Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có mức độ bảo mật cao nên các thông tin định danh của công dân được lưu trên chíp không thể thay đổi.
Con chíp được sử dụng trên thẻ căn cước công dân có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm có thể bổ sung các thông tin của các ngành, lĩnh vực khác.
Ảnh: Dân việt
Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử được triển khai sẽ tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD trong các lĩnh vực công tác.
Dự kiến, ngoài dữ liệu do ngành công an đang quản lý gồm có 20 trường thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, nơi thường trú, ... có thể bổ sung tích hợp thêm các dữ liệu của các ngành như ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, ... vào căn cước công dân có gắn chíp.
Đặc biệt, căn cước công dân gắn chíp sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.
Đó chính là những dữ liệu mà căn cước công dân mã vạch, CMND cũ không thể so sánh được.
Căn cước công dân gắn chip có tính tiện dụng cao sẽ tạo cho công dân nhiều thuận lợi khi thực hiện các giao dịch liên quan đến dịch vụ được số hóa của Chính phủ.
Tổng hợp